Viết về mỹ thuật có ba dạng: lịch sử, lý luận và bình luận. Mỗi người mỗi việc. Trừ Nguyễn Quân, ông làm cả ba việc. Ví dụ: Viết lý luận có cuốn Ghi chú về nghệ thuật, lịch sử là cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Còn bình luận thì quá nhiều qua những bài giới thiệu về các triển lãm, từ các họa sỹ thời đầu đến các họa sỹ trẻ đang hành nghề hiện nay. Viết được ở cả ba mảng đó, Nguyễn Quân là người duy nhất.
Trong cuốn sách này: Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, ngỡ là sách sử mỹ thuật nhưng khi đọc thì nhận ra, lịch sử, lý luận và phê bình hòa làm một. Ba người viết Nguyễn Quân : Nguyễn Quân - Lịch sử, Nguyễn Quân - Lý luận và Nguyễn Quân - Phê bình, là một. Nghệ thuật thì phải khác biệt đã đành nhưng viết về nghệ thuật cũng phải khác. Viết thì phải khác.
Chỉ có ngày tháng của những sự kiện thì sẽ là một cuốn sử đúng nhưng nhẹ, đúng nhưng không hay. Nguyễn Quân bao giờ cũng có những bình luận, nhận định riêng. Ví dụ: Năm 1884, Pháp phá tháp Báo Thiên để xây Nhà thờ lớn, Nguyễn Quân bình: Người Pháp khởi đầu thời kỳ “Khai hóa” bằng tàn phá. Hoặc khi bàn về bộ tranh khắc (Technique du people Annamite) của Henri Oger, Nguyễn Quân viết: Có lẽ Henri Oger không ngờ rằng giá trị nghệ thuật của bộ tranh có khi còn hơn giá trị khảo cứu dân tộc học mà ông theo đuổi.
Viết về Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, một thời kỳ đầy biến động, một thời kỳ đặc biệt của lịch sử Việt Nam đâu có dễ, và làm người đọc dễ đọc nếu tác giả không có tư duy tổng phổ chương hồi, phân kỳ mạch lạc. Mà cũng đâu chỉ viết riêng về mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật là một mặt của lịch sử, mỹ thuật cũng là một mặt của nghệ thuật, điều đó đòi hỏi người viết phải có cái nhìn rộng sang các ngành khác như văn chương thơ phú, kiến trúc... Mỹ thuật cũng không chỉ là tranh vẽ, bên cạnh đó là điêu khắc, trang trí, đồ họa, mỹ thuật ứng dụng, lý luận phê bình, giảng dạy v.v... Rồi còn mỹ thuật ở miền Nam trước 1975 và các tác giả người Việt sống ở nước ngoài.
Nguyễn Quân là người đồng hành với Mỹ thuật Việt Nam vào đúng thời kỳ Đổi mới - một thời kỳ đặc biệt - cho nên ông có nhiều dữ liệu của người trong nhà, nó sống động và gần sự thật hơn là cách khai thác gián tiếp. Điều thú vị nữa, Nguyễn Quân là người vẽ, đó là một lợi thế không nhỏ để trong lúc luận bàn, ông có thể đồng cảm, cộng cảm với đối tượng được bàn, chưa kể ông có thể nói được về chuyện bếp núc của nghề, chuyện chất liệu, kỹ thuật v.v.
Đó là những khác biệt của cuốn Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 mà tôi đọc được. Sự khác biệt là dấu vết của cá nhân, là tạng tính của tác giả. Đọc cuốn sách này, ngoài phần thông tin, người đọc sẽ thấy được tác giả, đọc được tác giả, và đó là một sự khác biệt nữa.