Nhà văn Ngọc Linh (1935 - 2002) tên thật là Dương Đại Tâm, quê quán ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ông là người nổi tiếng được biết đến ở nhiều lĩnh vực, vừa là nhà văn, vừa là nhà báo và đặc biệt là nhà viết kịch, viết cải lương.
Khi đất nước thống nhất, năm 1975, Ngọc Linh được phân công làm chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Kịch nói Kim Cương, Đoàn Kịch nói Bông Hồng, Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga (1976 - 1979), Phó Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này, ông gắn bó mật thiết với đời sống sân khấu sôi động, nhiều mảng màu phong phú của thành phố. Để tìm nguồn cảm hứng sáng tác, ông từng xách ba lô, theo chân các chiến sĩ trẻ ra tận biên giới Tây Nam, khi chiến trường đang diễn ra ác liệt... Chính vì không ngại dấn thân để tìm hiểu =cuộc sống mới, gặp gỡ nhiều đối tượng để xây dựng những hình tượng mới nên ông đã sáng tác được nhiều tác phẩm sân khấu kịch nói và cải lương đi vào lòng khán giả như Bóng tối và Ánh sáng (1977),Xa thành phố yêu dấu (1978),Như thế là tội ác (phim - 1979);Cho tình yêu mai sau (1979),Tiếng sóng Rạch Gầm(1980), Nàng Hai Bến Nghé (1982), Muôn dặm vì chồng(1984),… Ngôi nhà không có đàn ông (1993), Ngôi nhà thiếu đàn bà(1993), Ngôi nhà của chúng ta (1996), Người điên trong ngôi nhà cổ (2001), v.v... Bằng tiếng vang của những kịch bản sân khấu đặc sắc này, Ngọc Linh đã đánh dấu tên tuổi vào “thế hệ vàng” những soạn giả nổi danh như Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Mai Quân, Yên Lang, Phi Hùng, Phạm Ngọc Truyền, Ngô Y Linh, Lê Duy Hạnh v.v...
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không ghi nhận rằng bên cạnh một Ngọc Linh - “soạn giả” còn có một Ngọc Linh - “tiểu thuyết gia”. Ngoài hơn 30 kịch bản sân khấu, Ngọc Linh còn sở hữu cả một gia tài đồ sộ khoảng 70 bộ tiểu thuyết và rất nhiều truyện ngắn. Trước 1975, Ngọc Linh đã thành danh với những bộ tiểu thuyết ăn khách như Đôi mắt người xưa,Ngã rẽ tâm tình,Mưa trong bình minh,Như hạt mưa sa, Nắng sớm mưa chiều,Yêu trong hoàng hôn,Buổi chiều lá rụng… Hầu hết các tiểu thuyết của ông đều được sáng tác dưới hình thức feuilleton - tiểu thuyết nhiều kỳ đăng báo. Nhiều quyển khi tái bản thành sách có độ dày hàng mấy trăm trang. Ông viết với nhiều bút danh như Dương Hoài Dung, Kim Đồng Tử, Sơn Linh, trên các báo Lẽ Sống, Tiếng Dân, Buổi Sáng, Tiếng Dội…
Với dung lượng trang viết rất lớn như thế nhưng tiểu thuyết của Ngọc Linh không hề nhàm chán, bởi chúng là bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống đương thời, gợi cho người đọc nhiều suy tư trăn trở về đạo lý ở đời, về ý thức tự tôn trong nhân phẩm, truyền thống dân tộc, về tình yêu trong sáng. Chính vì những câu chuyện gần gũi cuộc sống, những chuyện tình éo le, những thân phận phụ nữ bất hạnh thời nào cũng có, nhưng được soi chiếu qua lăng kính của lòng nhân ái, của kết cục có hậu cho những ai sống thiện lương... nên nhiều tác phẩm của ông được đưa lên sân khấu kịch nói, chuyển thể cải lương và dựng thành phim điện ảnh như: Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Mưa trong bình minh, Như hạt mưa sa, Nắng sớm mưa chiều,Yêu trong hoàng hôn,...
Trong số đó, Mưa trong bình minh là quyển tiểu thuyết thuộc thể loại tâm lý đan xen những yếu tố mang hơi hướng “trinh thám”. Câu chuyện xoay quanh bi kịch giữa hai gia đình ông chủ Phong và ông giáo Khá. Chủ Phong là tay giàu có trong vùng, nổi tiếng ích kỷ và độc ác, ngược lại giáo Khá lại là một nhà giáo nghèo, bị tật nguyền, nhưng tính tình khảng khái và chính trực. Khởi đi từ bi kịch của hai mươi năm trước, chủ Phong giả ma giả quỷ để chận đường hãm hiếp các thiếu nữ trong vùng tại căn lầu bỏ hoang. Một trong những nạn nhân của lão chính là Ngọc Anh, em gái của giáo Khá. Tủi nhục vì bị cưỡng bức, Ngọc Anh lìa bỏ quê hương xứ sở lưu lạc lên Sài Gòn biệt tăm tích. Bỗng dưng hai mươi năm sau, Ngọc Anh cùng với cậu con trai tên Thiên trở về đoàn tụ với giáo Khá. Cũng lúc đó, Trương, con trai lớn của chủ Phong lại theo vết xe đổ của cha, giả ma giả quỷ chận đường hãm hiếp con gái trong vùng, và Mai - con gái của giáo Khá là một trong các nạn nhân. Câu chuyện diễn biến theo hướng khám phá li kỳ tung tích thủ phạm nhờ sự kiên trì và lòng chính trực của Thiên. Song song đó, cùng với chân tướng tên tội phạm - sát nhân, những bí ẩn trong mối quan hệ phức tạp, rối rắm giữa hai gia đình cũng được hé mở và phơi bày ra ánh sáng.
Mưa trong bình minh là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác tiểu thuyết của Ngọc Linh. Tác phẩm không có cốt truyện phức tạp, không cầu kỳ trong việc sắp đặt các biến cố, sự kiện, nhưng khiến người đọc bị cuốn hút không dứt vào chuỗi các sự kiện tinh tế và đầy kịch tính để đi đến một kết cục có hậu theo tinh thần “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo/ Cao phi viễn tẩu dã nan tàng” đậm chất Nam bộ.
Sau Như hạt mưa sa và Đôi mắt người xưa, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ tiếp tục cho ra mắt quyển tiểu thuyết Mưa trong bình minh, hy vọng sẽ gửi đến bạn đọc những giá trị đậm chất nhân văn trong văn chương Ngọc Linh.