Một cảnh không có trên phim là tập truyện ngắn mới nhất của Hồ Huy Sơn viết về những lát cát nhỏ, bình dị giữa đời. Đơn giản, mà đau mà thấm. Lấy chất liệu từ những câu chuyện trong gia đình, giữa các mối quan hệ như cha mẹ với con cái, mẹ chồng với nàng dâu, vợ với chồng; hay rộng hơn nữa là giữa những con người xa lạ cùng chung một hoàn cảnh sống cơ cực, bần hàn nhưng ấm áp tình người... ẩn chứa trong mỗi câu chuyện là những suy nghĩ, trăn trở của tác giả về những vấn đề trong văn hóa ứng xử giữa người và người trong xã hội hiện đại.
Xuyên suốt cả tập truyện, những mảng tối và sáng đan xen với nhau tạo nên một bức tranh hài hòa về màu sắc, mang đến hi vọng về một cuộc sống mà con người có thể dũng cảm đương đầu với nghịch cảnh, dám sửa chữa sai lầm của bản thân, đấu tranh với cái xấu mà hướng đến cái tốt. Đó là bài học về niềm tin bị lừa dối, lòng thiện tâm bị che mờ bởi cám dỗ của đồng tiền; là sự đồng cảm của những số phận lận đận mưu sinh, nỗi tự ti về những khiếm khuyết của cơ thể, về nghề nghiệp hèn kém của bản thân nhưng trong họ vẫn không ngừng tìm kiếm sự sẻ chia và hơi ấm tình người trong truyện ngắn Dưới trời nắng gắt. Là lời khẳng định rằng giá trị của tình thân có thể tạo nên sức mạnh xóa tan đi mọi căm ghét, thù hận trong truyện Tình thâm. Là lòng dũng cảm dám đối mặt với sự thực trong truyện Có mùa xuân vừa ngang qua. Sống trong cái khổ, sống mà liên tiếp rơi vào tình cảnh éo le rất dễ khiến cho con người ta đổ lỗi lầm lên người khác mà không thể nhìn nhận đúng sự thực.
Mới ngoài 30 tuổi, nhưng những trang viết của Hồ Huy Sơn thể hiện sự từng trải, với những suy nghĩ đau đáu và trăn trở nghiêm túc về cuộc đời. Có thể nói, với Một cảnh không có trên phim của Hồ Huy Sơn, chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng về một tài năng trẻ luôn đồng hành cùng cuộc đời để cảm và để thấm nhân sinh.