Minh Tâm Bửu Giám là một quyển sách góp nhặt những lời vàng tiếng ngọc của các bậc Hiền triết hoặc Danh nhân thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở (vào cuối đời nhà Nam Tống), ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó như là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
Minh Tâm Bửu Giám là một công trình dịch thuật hiếm hoi còn lại nguyên vẹn của Trương Vĩnh Ký. Đương thời học giả Ngô Văn Tố đánh giá những bản dịch của Trương Vĩnh Ký mang tính liêm khiết khoa học cao. Cho đến hôm nay chưa có ai dám nghĩ về việc trồng người bắt đầu bằng cách gieo những mầm tốt, mầm thiện, những bài học Thánh hiền đã đúc kết và để lại như nhà bác học Trương Vĩnh Ký đối với dân tộc Việt Nam chúng ta. Ông dịch Tứ thư, Ngũ kinh và Ông dịch Minh tâm bửu giám. Ông dịch nghĩa đen rồi Ông dịch nghĩa bóng. Các điển tích đều được Ông giải thích một cách tinh tế và sáng sủa, rất dễ hiểu.
Xưa nay, hầu hết các Dân tộc Đông phương đã chọn lấy những lời răn dạy quý báu ấy làm nền tảng cho nền Đạo lý cổ truyện Đông phương, và hầu hết người đời đã biết chọn lấy đó làm tấm gương báu nhất để soi mình; lại đã biết noi lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc để đo lường chừng mực mà xử thế, hầu ăn ở ra sao cho trọn đạo làm người.
Thế nhưng khi nhắc lại những lời châu báu của người xưa, chúng ta không chỉ nên nhắc suông không thôi, mà phải biết noi lấy đó và làm theo đó, để cùng lo trau dồi cho mọi người mọi kẻ trong chúng ta được trở thành những phần tử tốt, ngõ hầu tiến tới một cộng đồng xã hội tốt.
Đối với người xưa, những lời còn lưu lại cho người sau, thường hay vắn tắt, nhưng nó hàm chứa những ý nghĩa hết sức cao sâu, tột cùng, ...Vì vậy, muốn gội nhuần những ý tưởng trong sáng, cao đẹp ấy, khi đọc lại người xưa, chúng ta phải chú tâm nghiền ngẫm để mà suy luận cho trung thực, tìm hiểu cho chín chắn mới mong gặt lượm được những bài học đáng giá ngàn vàng ở nơi ấy; lại còn phải biết linh động mà đem áp dụng vào việc làm với đời sống thực tại, tất chúng ta mới không bõ công học hỏi vào sách Thánh hiền vậy.