Mâu thuẫn lồng ghép trong mâu thuẫn, li kỳ và hấp dẫn là những ấn tượng ban đầu khi đọc cuốn tiểu thuyết "Mây chiều bảng lảng" của tác giả Nguyễn Khoa Đăng. Có thể đề tài viết về hôn nhân, gia đình thời hiện đại là một đề tài không còn mới trong những năm gần đây nhưng với cách viết rất có nghề, tập trung khai thác khía cạnh tâm lý nhân vật lúc bảng lảng, lúc cao trào quằn quại, biết nhấn nhá và nắm bắt những nỗi niềm, những suy tư trăn trở của nhân vật đã tạo nên nét quyến rũ riêng của tác phẩm.
Mây chiều bảng lảng viết về cuộc sống hôn nhân giữa hai vợ chồng ông Thổ Trì. Sự hoài nghi của người vợ, sự nhún nhường của người chồng vô hình đã tạo ra một bi kịch. Thế mới biết cái ghen tuông của đàn bà ghê gớm thật. Ghen cả với người tình trong thơ của chồng thì khiếp quá. Sự mất lòng tin ở người bạn đời sẽ phá vỡ tất cả những yêu thương, xây đắp bao nhiêu năm. Đỉnh điểm của việc ghen tuông đến mức điên cuồng của người vợ là không cho chồng động vào người mình, bà cho rằng đôi bàn tay của chồng đã dính đầy ô bẩn. Đọc tác phẩm, khiến người đọc có nhiều cảm xúc, vừa trách bà vợ ghen tuông mù quáng, lại trách thương ông chồng nhu nhược. Vừa buồn lại vừa thú vị. Sự ra đi hay đúng hơn là trốn chạy khỏi mái ấm của mình rồi quay trở lại của ông Thổ Trì giống như vòng luẩn quẩn, thương mà giận, cay nghiệt mà xót thương về nỗi đau đàn ông thời hiện đại. Để đến cuối tác phẩm chúng ta chợt thấy rằng: “Mỗi một cuộc sống, mỗi một số phận đều có những nỗi niềm, những suy tư trăn trở riêng và đáng để suy ngẫm”.