Truman Capote đã từng tự gọi đứa con tinh thần của mình là một “non-fiction novel”, tức là một thiên tiểu thuyết phi giả tưởng. Với chất liệu thực tế thu thập được từ những cuộc điều tra do chính bản thân ông thực hiện, Capote đã tường thuật lại tường tận vụ thảm án vùng quê Kansas năm 1959, song, ông không đi sâu vào việc tìm hiểu “hung thủ là ai?”, “làm thế nào để đưa được những kẻ thủ ác ra ngoài ánh sáng?” mà ông tập trung đào sâu vào hoàn cảnh và số phận của những kẻ sát nhân, cũng như phát hiện ra động cơ sâu xa, khiến những con người bình thường dần để đôi bàn tay mình phải nhúng chàm tội ác. Trần trụi, khủng khiếp song vẫn đầy sức hút, hiếm có “chuyện có thật” lại được tái hiện bằng sức mạnh nghệ thuật lớn lao và giàu sức lay động tới như vậy. Và, không chỉ vượt ngoài khuôn khổ một tác phẩm báo chí thông thường, cuốn sách dường như đã buộc người đọc phải tự vấn lương tâm, tự mình trả lời những câu hỏi cốt tử: Rốt cuộc thì những kẻ gây ra thứ tội ác ghê gớm này, chúng có hoàn toàn là quỷ dữ? Hoặc, nếu ta nhìn sâu, nhìn kỹ chúng, liệu ta vẫn sẽ nhìn ra ở chúng những khía cạnh “con người”, hay là cả những nét thiện lương còn đang le lói rồi chực tắt?