Ma Cao nằm ở vùng duyên hải đông nam Trung Quốc, chắn giữ bến cảng phía tây của đồng bằng sông Chu Giang, với vị trí địa lý thuận lợi đó từ xa xưa Ma Cao đã từng là trung tâm mậu dịch quốc tế, trạm trung chuyển hàng hóa quan trọng ở vùng Viễn Đông. Chiến tranh Nha phiến kết thúc để lại “hậu quả” nặng nề cho triều đình nhà Thanh. Hồng Kông, Ma Cao biến thành thuộc địa của Anh và Bồ Đào Nhan. Trong suốt một thời kỳ dài từ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, dưới sự cai quản của Bồ Đào Nha, Ma Cao chưa tạo ra một “dấu ấn” đậm nét nào, kinh tế Ma Cao chỉ thực sự bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc là vào cuối thập niên 60, đặc biệt là từ thập niên 80, 90 thế kỷ XX. Khi đó, Ma Cao nổi lên là một trung tâm gia công xuất khẩu nhộn nhịp; trung tâm du lịch – giải trí hấp dẫn của khu vực và thế giới.
Sau khi trở về Trung Quốc vào ngày 20 tháng 12 năm 1999, lịch sử phát triển Ma Cao đã bước sang một trang sử mới: chuyển từ chế độ thuộc địa sang chế độ tự trị dân chủ, với mô hình “một quốc gia – hai chế độ”, thực hiện phương châm “người Ma Cao quản lý người Ma Cao”; Chính phủ Trung ương không can thiệp vào công việc nội bộ của Ma Cao (ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao); Đặc khu Hành chính có quyền tự trị cao, được phép duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa, 50 năm không đổi. Đây có thể nói là mô hình độc đáo và phù hợp với Ma Cao. Chính bởi mô hình phù hợp đó, trải qua 10 năm phát triển, Đặc khu Hành chính Ma Cao nhìn một cách tổng thể, trên tất cả mọi phương diện kinh tế - chính trị - xã hội không có biến động, không bị đảo lộn; về cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Ma Cao mà còn với cả Trung Quốc. Bởi trên thực tế tiếp sau Hồng Kông, đây là lần thứ hai Trung Quốc thu hồi chủ quyền của mình. Chính vì vậy, sự trở về của Ma Cao đã nhận được nhiều sự quan tâm trên thế giới.
Nếu như Ma Cao tiếp tục thu được những thành quả tương đối khả quan như Hồng Kông và tất nhiên Ma Cao và Hồng Kông sẽ là những dẫn chứng cụ thể quan trọng về sự thành công của lý luận mô hình “một nước hai chế độ” mà Trung Quốc đang theo đuổi. Đứng trên một góc nhìn khác, Ma Cao là một khu vực nhỏ bé, đất chật người đông, điều kiện tự nhiên không nhiều, thế nhưng nhờ biết phát huy lợi thế so sánh, tranh thủ, tận dụng mọi ưu thế đặc biệt của mình, cho đến nay Ma Cao đã trở thành một Đặc khu Hành chính quan trọng có vai trò tích cực trong tiến trình hội nhập và hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc. Chính vì vậy, thiết nghĩ việc tìm hiểu, nghiên cứu mô hình Ma Cao là một việc nên làm, bởi nó sẽ giúp chúng ta tham khảo được những kinh nghiệm hay, lựa chọn vận dụng những cách làm phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng độ hấp dẫn, sức cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Xuất phát từ ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó, tập thể tác giả đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Ma Cao sau khi trở về Trung Quốc: thực trạng và triển vọng”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương với những nội dung như sau:
Chương 1: Tình hình Ma Cao sau khi trở về Trung Quốc. Trong chương này, tác giả trình bày khái quát những nét cơ bản về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội Ma Cao trước năm 1999; nền chính trị Ma Cao sau năm 1999; tổng quan tình hình kinh tế và xã hội Ma Cao sau năm 1999.
Chương 2: Sự chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội Ma Cao sau năm 1999 và mối quan hệ giữa Ma Cao với Trung Quốc Đại lục. Trong đó tác giả nhấn mạnh đến những thay đổi cơ bản trong mô hình phát triển mới của Ma Cao về chính trị, kinh tế cũng như vai trò của Ma Cao trong công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc Đại lục với những lợi thế, đóng góp của Ma Cao và vai trò của Chính phủ Trung ương Trung Quốc trong việc duy trì sự phát triển ổn định của Ma Cao.
Chương 3: Nhận xét, đánh giá và triển vọng phát triển của Ma Cao sau khi trở về Trung Quốc. Tác giả phân tích về thành công và những vấn đề tồn tại của Ma Cao cũng như một số triển vọng phát triển như phát triển ngành du lịch – giải trí theo hướng đa dạng hóa; tăng cường hợp tác, khai thác tối ưu không gian phát triển; tăng cường phát huy ưu thế cảng tự do, phát triển kinh tế cảng biển; tăng cường đẩy mạnh phát triển ngành hội chợ - triển lãm. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng trình bày và phân tích thực trạng cũng như triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam – Ma Cao và một vài gợi mở cho Việt Nam từ mô hình phát triển của Ma Cao.
Với những nội dung nêu trên có thể thấy, cuốn sách hướng tới mục tiêu nghiên cứu mang tính hệ thống và toàn diện về Ma Cao. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra đánh giá, nhận xét về những mặt thành công và hạn chế chủ yếu của Ma Cao; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Tài liệu này là nguồn tham khảo thực sự bổ ích, nhất là trong giai đoạn hiện nay.