Lưỡi gươm- bàn về nghệ thuật chỉ huy là một tuyển tập những bài thuyết trình của Charles de Gaulle về tinh thần ái quốc của dân tộc, về triết học quân sự, về sức cuốn hút của chính sách chính trị.
Cuốn sách bắt đầu bằng việc định nghĩa hành động trong chiến tranh và sau khi đã khảo sát, tách rời, đối chiếu những yếu tố như phương tiện và thuộc tính làm nên quyền lực như tính cách, uy tín và học thuyết, thì cuốn sách kết thúc bằng một suy tư đậm tính báo hiệu về mối quan hệ giữa chính khách và quân nhân.
Nếu như bộ hồi ký của Charles de Gaulle là một thứ “biên bản” tường thuật cuộc đời ông, thì “Lưỡi gươm » là một “sáng tác” văn chương đích thực, xét về văn phong lẫn tư tưởng. Một sáng tác dành cho số phận của tác giả cuốn sách, dù nội dung liên quan đến lĩnh vực quân sự.
Những trích dẫn, mà chủ yếu của các nhà văn và những nhà tư tưởng như Shakespeare, Psichari , Vauvenargues, Vigny, Retz, Goethe, Tolstoi, Anatole France, Heine... chứng tỏ một vốn văn hóa rộng, và hiển nhiên không phải là điều quen thuộc đối với một viên sĩ quan trong môi trường và thời đại của ông khi ấy. Theo dịch giả Phạm Anh Tuấn, mặc dù sách viết về quân sự nhưng có đến 80% những trích dẫn trong cuốn sách nói về các nhà văn, nhà tư tưởng.
Ngay từ ra đời năm 1932, Lưỡi gươm- bàn về nghệ thuật chỉ huy là một cuốn sách đặc biệt vì nó là nơi khởi sinh ra một số phận. Và những số phận bao giờ cũng bắt đầu từ một nguồn năng lượng nội tâm được giải phóng, được thăng hoa trong thầm lặng. Hiếm có cuốn sách mỏng nào cho ta thấy rõ chính số phận mà nó loan báo. Chúng ta không thể đọc cuốn sách mà bỏ qua những sự kiện đem lại cho nó nét nổi bật đặc biệt này.
« Cuốn sách mang một cấu trúc cổ điển, khoa trương cầu kỳ - đôi khi thậm chí nghiêm trang, có thể người đọc thoạt đầu thấy cuốn sách quá ư hình thức, song trước hết nó không được viết với thái độ xu thời, bởi ta thấy ông phán xét về nước Pháp, về quân đội, về thời đại. Tác phẩm nhiều chỗ gợi ra những suy tư gây bất ngờ, cho thấy ông là một con người sáng suốt, giống như trong mọi tình yêu, ông yêu nước Pháp vì cả những nhược điểm lẫn những phẩm chất của nó », Hervé Gaymard, chính trị gia Pháp viết lời giới thiệu cuốn sách.
Dĩ nhiên, thế giới nằm trong cuốn sách dứt khoát xa lạ với thế giới của chúng ta, tới mức ta thấy bản tuyên ngôn kiêu hãnh tập hợp một vài chương sách này sẽ dường như là lỗi thời. Cả người quân nhân lẫn chính trị gia ngày nay đều thực sự không giống như trước kia nữa. Tuy vậy, mỗi người khi đọc cuốn sách sẽ tự soi chiếu và tìm được những ý nghĩa cho riêng mình. Bí quyết mà Lưỡi gươm – bàn về nghệ thuật chỉ huy dạy cho ta là không bao giờ được đầu hàng bất cứ điều gì.