Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thừa kế. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1959, Sắc lệnh 90/SL ngày 10/10/1945 cho phép tạm thời áp dụng những văn bản pháp luật dân sự của chế độ cũ với điều kiện "những luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hoà". Tại Điều 27 Hiến pháp năm 1980 cũng ghi nhận "Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân". Tiếp theo, Thông tư số 81 ngày 27/7/1981 của Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Ngày 30/8/1990, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh thừa kế.
Qua hơn các năm thực hiện Pháp lệnh thừa kế đã cho thấy về cơ bản những quy định của Pháp lệnh phù hợp với thực tế đời sống, do đó chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 1995 đã kế thừa hầu hết các quy định của Pháp lệnh thừa kế. Tuy nhiên, những quy định về thừa kế trong Bộ luật dân sự vẫn còn tồn tại những điểm chưa hợp lý, rõ ràng.