Tập thơ Lửa than (gồm 54 bài) của nhà thơ Nguyễn Hòa Bình mới “ra lò” đã nhận được sự đồng cảm của độc giả. Đặc biệt hơn cả, trong tập có bài thơ Về với Quan Sơn, viết nhân chuyến thực tế tại một huyện miền núi Thanh Hóa, đã được trang trọng chọn in vào Sổ tay Đảng viên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Huyện ủy Quan Sơn (Nhà xuất bản Thanh Hóa, 2018). Ngoài những nội dung quan trọng thường thấy của một Sổ tay Đảng viên, bài thơ Về với Quan Sơn được coi như một tài liệu học tập của hơn 3000 Đảng viên trong một Đảng bộ lớn. Thiết nghĩ, đó là sự đánh giá cao công tác tư tưởng – văn hóa bằng văn học nghệ thuật, cụ thể hơn là văn chương/ thơ ca.
Lửa than, tên bài thơ được dùng đặt tên cho cả tập thơ gợi mở cảm hứng về sự sống. Lửa, với Nguyễn Hòa Bình là “Ta nhận về mình cực nhọc/ Ta nhận về mình cay đắng thời gian/ Ủ thành than/ Mơ cháy”. Đọc những câu thơ này độc giả cảm nhận được cái ý tứ sâu xa – trước khi hóa thành ngọn lửa hãy ủ kỹ, ủ từ than hừng hực nóng, từ sức nóng vô biên đó mới có thể “mơ cháy”. Ai sống trên đời mà chẳng mơ mình cháy lên thành ngọn lửa. Nhưng nếu không được chuẩn bị kỹ càng thì biết đâu là lửa rơm, bùng phát, bốc cao, nhưng chóng lụi tàn. Ngọn lửa sống tất nhiên phải xuất phát từ chính giữa cuộc đời, dẫu cho giữa dòng trong – đục. Nếu không từ ngọn nguồn đời sống thì chỉ có thể bùng lên lửa than như câu thơ kết “Từ trong hư ảnh có bùng lửa than?”. Lửa than là một bài thơ đậm chất triết lý. Nhưng may mắn không rơi vào “triết lý vặt” đang nhan nhản trong văn chương/ thơ ca hôm nay khi tác giả của nó còn tỏ ra hết sức non nớt, khi chưa sống đến độ, khi còn vội làm dáng, điệu đà.