Người Tây Nguyên có chung quan niệm vòng luân hồi 7 kiếp, nên việc dựng nhà và chia của cho người chết rất được coi trọng. Khi lập buôn, chủ làng hoặc thầy cúng bao giờ cũng dành phía tây làng (phía mặt trời lặn) để làm khu nhà mồ. Căn nhà mồ phải được dựng giống như căn nhà ở thu nhỏ lại, trước và xung quanh mộ có khắc gỗ hình những chiếc nồi đồng, gùi, ché, tượng trai gái,…, vừa như hình thức của cải của người đã mất, vừa như có thêm bầu bạn nơi làng ma – “buôn Atâu”.
Lời tượng mồ buôn Atâu của tác giả Văn Thảnh là bản trường ca được bắt đầu từ một buôn làng hẻo lánh vùng Krông Búk, nơi được coi là cổ sơ nhất của người Êđê. Cũng có thể câu chuyện bắt đầu từ những pho tượng gỗ vừa được dựng lên nơi nhà mồ cho người đã khuất. Và, lại có thể, câu chuyện lang thang tìm về thượng nguồn mạch đời trầm luân, nơi sinh ra những cuộc đời khổ quá nhiều, vui quá ít; song lại là ma lực khiến mọi người đã sinh ra ở trên đời chưa có ai chối từ cuộc sống; mà ngược lại, dẫu có chết, phải chết hoặc muốn chết, âu nguyên do cũng là vì ham sống, muốn sống một cuộc sống tốt lành hơn, bổn phận làm người sẽ được hoàn thành đáng kể dẫu cực khổ nhiều hơn vui sướng.
Bản trường ca gồm 10 chương.
Một số chương trong công trình: Những pho tượng hình người, Một khúc hoan ca, Người đàn bà mang bầu…