Trong cuốn “Les 40.000 heures - Inventaire de l'avenir”, Jean Fourasties, nhà kinh tế học và xã hội học nổi danh của Pháp, tiên đoán rằng tới cuối thế kỷ này, ít nhất là tại các nước kỹ nghệ phát triển mạnh, con người trung bình thọ được 80 tuổi, nghĩa là 700.000 giờ, mà chỉ phải làm việc để kiếm ăn độ 40.000 giờ thôi, vì lúc đó, nhờ những tiến bộ về kỹ thuật, số giờ làm việc mỗi tuần rút xuống còn 30, mỗi năm làm việc 40 tuần, và làm việc độ 33 năm (tới tuổi 65) thì về hưu.
Lời tiên đoán của ông có thể tin được lắm, mới cuối thế kỷ trước, thợ thuyền Châu Âu còn phải làm việc 10-12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần và 52 tuần một năm, thì bây giờ họ chỉ còn làm 40 hay 45 giờ một tuần và 50 tuần một năm; sau này nhất định số giờ làm việc sẽ rút xuống nữa, nên nhiều nhà bác học đã mừng rằng nhờ máy móc nhân loại sắp đặt được nền “văn minh nhàn rỗi”, “nền văn minh hưởng thụ”, nhưng rồi lại lo không biết nhân loại sẽ làm cách nào tiêu cho hết số thì giờ nhàn rỗi đó để khỏi “nhàn cư vi bất thiện”.
Họ lý luận rất chặt chẽ, đưa ra đủ các thống kê, tôi không thể bác vào đâu được, nhưng nhìn xã hội hiện tại, tôi thấy kỹ thuật càng tiến bộ bao nhiêu, đời người đã chẳng được nhàn rỗi mà càng bận rộn bấy nhiêu, ai cũng phàn nàn rằng chẳng có một phút nào rảnh cả. Trước thế chiến vừa rồi, đời sống của chúng ta ung dung, bây giờ đã hóa ra vất vả, mà ở Paris, Newyork, hay Tokyo, thiên hạ còn vội vàng, chạy đua với đồng hồ gấp mấy chúng ta nữa. Vậy thì cái việc lo sẽ “nhàn cư vi bất thiện” chưa gấp bằng cái việc tính toán, thu xếp sao cho mỗi ngày có được một vài giờ rảnh để nghỉ ngơi hoặc làm những việc mình thích.
Số giờ cho mình hưởng mỗ ngày đã nhất định là 24, không thể nào kéo dài ra được hay mua thêm được; muốn được chút giờ rảnh thì ngoài giải pháp giản dị hóa lối sống chỉ còn có cách khéo tổ chức để làm cho mau xong-mà vẫn có kết quả, những việc không thể không làm được. Vì vậy trên hai chục năm nay tôi rất chú ý tới môn “Tổ chức công việc” đã soạn được bốn cuốn phổ thông về môn đó:
Tổ chức công việc theo khoa học
Tổ chức gia đình
Tổ chức công việc làm ăn
Kim chỉ nam của học sinh
Hôm nay tôi lược dịch cuốn “How to gain an extra hour every day” của Ray Josephs để giúp độc giả biết cách tổ chức đời sống hàng ngày.
Tác giả đứng về phương diện hoàn toàn thực tế, tránh lý thuyết dài dòng, tránh các điều khái quát vì trong việc tổ chức đời sống hàng ngày, một việc có tính cách đặc biệt cá nhân, mỗi người phải xét trường hợp của riêng mình, cách sống riêng của mình mà tìm lấy một phương pháp, miễn là đưng quên mục tiêu này: trước khi làm một việc phải suy nghĩ xem công việc đó có cần thiết không, có cách nào làm cho đỡ phí sức, đỡ phí thời giờ mà kết quả tốt đẹp hơn không?
Để giúp chúng ta tự tìm lấy một phương pháp, tác giả chép lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm của mọi hạng ngườ từ các chính trị gia như Churchill, Eisenhower, các nhà kinh doanh như Ford II, Charlotte Montogomery, tới các chủ báo, các quân nhân, văn sĩ, nghệ sĩ, y sĩ, kỹ sư... trong mọi nghành hoạt động, từ việc viết thư, tiếp khách tổ chức một cuộc hội thảo tới việc làm bếp, đi xa, dời nhà, dạy con v.v...
Hầu hết là những điều chúng ta có thể áp dụng ngay được sau khi sửa đổi một chút cho hợp với hoàn cảnh của mình; chỉ có vài đoạn bàn về sự ích lợi của các thứ mày tối tân như máy điện thoại có truyền hình, máy rửa chén... hiện nay ở nước ta ít ai biết nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ có người dùng tới.
Ích lợi lớn nhất của cuốn này là giúp chúng ta suy nghĩ. Đầu chương cuối (chương XV), tác giả viết:
“Tôi không có ý làm cho bạn thành một cái máy tuyệt hảo, bộ phận rất tinh vi, chạy đúng từng phút, từng giây, không khi nào sai. Tôi lại càng không có ý làm cho bạn phải nô lệ các phương pháp cứng nhắc. Tôi chỉ muốn đưa cho bạn soi tấm gương của một số người có tên tuổi nhờ khéo tổ chức mà dùng được tới mức tối đa số vốn hai mươi bốn giờ một ngày”.
Nghĩa là ông nhắc chúng ta đừng nghe hẳn lời ông mà theo đúng phương pháp của một người nào. Ông chỉ muốn gợi ý cho ta thôi. Đọc mấy trăm kinh nghiệm chép trong cuốn sách nếu bạn chỉ nhớ được một điều này: bất kỳ công việc gì cũng có nhiều cách làm mà cách ta quen làm chưa chắc đã là tiện nhất, tốt nhất, thì sách cũng đã là có ích rồi; nếu bạn lại suy nghĩ mà tìm được một cách mới hoàn hiện hơn thì quả thực là sách thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời của bạn đấy.