Mọi người Việt Nam trong khi hãnh diện với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, và trong khi thiết tha với công cuộc phục hưng những tinh thần truyền thống của Đông phương - dù chúng ta vẫn niềm nở tiếp nhận thâu hóa các ngành văn minh kỹ nghệ Âu Mỹ - thì chúng ta không thể nào không nghiên cứu tìm hiểu đến những nước láng giềng, nhất là những nước cùng một nguồn gốc văn hóa với dân tộc chúng ta. Nhật Bản là một trong số các nước láng giềng ấy.
Chúng ta nghiên cứu đến các ngành văn hóa tư tưởng của Nhật Bản, ngoài mục đích tìm hiểu những điểm dị đồng giữa hai dân tộc Việt - Nhật, còn có một lợi ích khác là sẽ nhờ đó rút tỉa những kinh nghiệm thích ứng với hoàn cảnh dân tộc trong việc tiếp nhận văn hóa ngoại quốc, hầu cải tiến và xây dựng xứ sở.
Lịch sử tư tưởng Nhật Bản được Đông Phương xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1965, là thành quả nghiên cứu trong gần 10 năm sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản của Thích Thiên Ân. Sau hơn 50 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị và là tài liệu tham khảo hữu ích khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và tư tưởng Nhật Bản.
Nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018), Lịch sử tư tưởng Nhật Bản được tái bản. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp cho độc giả những thông tin quý giá về: nước Nhật Bản thời cổ đại, tư tưởng truyền thống, tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo, Thần đạo) và tư tưởng Nhật Bản thời cận và hiện đại. Sách gồm 4 phần:
Phần thứ nhất: Quốc gia Nhật Bản ở thời cổ đại
Phần thứ hai: Tư tưởng truyền thông của Nhật Bản
Phần thứ ba: Tôn giáo với tư tưởng Nhật Bản
Phần thứ tư: Nhật Bản ở thời cận đại và hiện đại
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Từ nay, tất cả những vấn đề văn hóa tư tưởng cần được giải quyết ổn đáng. Để phát huy các ngành văn hóa tư tưởng quốc gia, điều cần nhất là chúng ta, mọi người dân đều phải cố gắng thoát ly ra ngoài những lệ thuộc ngoại lai, phải khai thác tận cùng những tính chất độc lập cố cựu, và phải phục hồi lại tất cả những văn hóa tư tưởng truyền thống của dân tộc. Những cố gắng ấy sẽ đưa đến thành công tốt đẹp, nếu mọi người chúng ta đều dựa vào những nguyên tắc căn bản là phát huy nền văn hóa độc lập truyền thống ở quá khứ và phục hồi những sinh hoạt tinh thần độc đáo của dân tộc ở hiện tại. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể xây dựng cho nước nhà một nền văn hóa tư tưởng thuần túy dân tộc, và chỉ có như thế chúng ta mới có thể đóng góp một phần xứng đáng vào việc xây dựng cho nền văn hóa phong phú của thế giới nhân loại mỗi ngày một tiến bộ ở hiện tại và tương lai vậy.”