Người Nhật ngày xưa cũng như những dân tộc khác đã tạo nên những câu chuyện thần thoại để giải thích nguồn gốc tổ quốc của họ. Từ thời xa xưa, trong quá khứ, đã có một câu chuyện thần thoại kể rằng có hai vị thần đứng trên Cầu Nổi trên thiên đình nhìn xuống hạ giới, không biết dưới chân mình có đất hay không, hai vị liền lấy một cây giáo nạm ngọc thạch thọc xuống biển. Giọt nước biển từ mũi giáo rỏ xuống tạo thành một hòn đảo. Hai vị thần bay xuống đảo, một nam, một nữ, dựng nên một cột trụ. Sau khi hai vị nhảy múa và chuyện trò với nhau (vị thần nam nói trước) họ tạo được tám hòn đảo chính của nước Nhật…
Nhật Bản có hình thế một chuỗi các hòn đảo từ cách đây khoảng 20.000 năm. Những sức mạnh thiên nhiên dữ dội đã cắt khỏi địa lục châu Á bốn đảo lớn nhất của Nhật cùng hàng mấy trăm những hòn đảo nhỏ tạo thành một vòng cung trải dài hơn 2.400 cây số. Thời xưa, những hòn đảo này về phương Nam nối liền với Xibêri, tạo Biển Nhật Bản thành một cái hồ mênh mông. Do mực nước biển ngày một nâng cao, thoạt tiên là những cầu đất nối ở phương Nam bị dìm xuống, sau đến những cầu đất phương Bắc. Chính trong thời địa hìh thay đổi như vậy mà con người bắt đầu di chuyển đến sinh cơ lập nghiệp tại đây.
Nhật Bản thời bấy giờ thuộc một phần của nền văn minh lúa nước, sử dụng đồ kim loại ở miền Đông Á, nhưng chưa đạt tới trình độ cao, người Nhật Bản còn xa mới đạt được độ thống nhất của một đế quốc tập trung hùng cường như đôi khi Trung Quốc đã có được. Tuy nhiên, cuối cùng, và theo cách riêng của họ, Nhật Bản ít lâu sau cũng đã đạt được đến mức độ thống nhất đáng kể về mặt chính trị và văn hoá. Những giai đoạn sớm của trình độ phát triển này ở những vùng trung tâm miền Bắc Kyushu, miền Đông và trung tâm Honshu, và miền Bắc Shikoku đều không có sử sách chép lại sau nhiều năm đã qua, nhưng các nhà khảo cổ giờ đây đã phát hiện càng ngày càng nhiều chi tiết về những giai đoạn đầu tiên trở thành một quốc gia văn minh của Nhật Bản…