Ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội loài người đều có những hiểu biết và cách giải thích các hiện tượng kinh tế - xã hội nhất định. Việc giải thích các hiện tượng kinh tế - xã hội ngày càng trở nên hết sức cần thiết đối với đời sống kinh tế - xã hội loài người. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật vừa ra mắt cuốn sách Lịch sử các học thuyết kinh tế do tác giả GS.TS. Mai Ngọc Cường, PGS.TS. Trần Việt Tiến và PGS.TS. Mai Ngọc Anh biên soạn.
Nội dung cuốn sách Lịch sử các học thuyết kinh tế gồm 10 chương, bắt đầu từ các tư tưởng kinh tế từ thời cổ đại đến các lý thuyết hiện đại về phát triển kinh tế.
Chương I của cuốn sách đề cập đến "Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của môn học Lịch sử các học thuyết kinh tế", trình bày một cách có hệ thống về đối tượng nghiên cứu, xác định phương pháp nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ các quan điểm, các học thuyết kinh tế của các trường phái, các đại biểu tiêu biểu trên thế giới.
Chương II của cuốn sách trình bày "Các tư tưởng kinh tế thời cổ đại và trung cổ", phân tích, hoàn cảnh xuất hiện và đặc điểm các tư tưởng kinh tế chủ yếu của Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại và Trung Quốc cổ đại: tư tưởng kinh tế thời kỳ trung cổ ở phương Tây như: tư tưởng kinh tế của Augustin Saint, "Chân lý Sali" , "Luật tạp chủng", Giáo luận thị dân và giáo luận nông dân (cuộc đấu tranh chống giới tu hành); Tư tưởng kinh tế phong kiến ở Trung Quốc với các quan điểm về thuế, về thương mại.
Chương III: "Các học thuyết kinh tế của trường phái kinh tế chính trị tư sản cổ điển" có bốn nội dung chủ yếu: Các học thuyết kinh tế của chủ nghĩa trọng thương; Hoàn cảnh ra đời, đặc điểm và những quan điểm kinh tế chủ yếu, các giai đoạn phát triển, đặc điểm dân tộc và vị trí lịch sử của của học thuyết kinh tế trọng thương; các giai đoạn phát triển và đặc điểm của trường phái kinh tế chính trị tư sản cổ điển. Đây là giai đoạn mà các nhà kinh tế học đang chuyển dần từ tư tưởng trọng thương sang xây dựng những nền tảng ban đầu cho kinh tế học tư sản cổ điển. Các học thuyết kinh tế trong thời kỳ ra đời của kinh tế học tư sản cổ điển như: sự ra đời của học thuyết kinh tế tư sản cổ điển ở nước Anh là William Petty với lý thuyết giá trị - lao động, lý thuyết tiền tệ, lý thuyết tiền lương, lý thuyết về địa tô, lợi tức và giá cả ruộng đất. Sự phát sinh kinh tế học tư sản cổ điển ở Pháp là sự xuất hiện trường phái trọng nông, các học thuyết kinh tế trọng nông.
Chương IV của cuốn sách tập trung trình bày về "Sự phát sinh, phát triển kinh tế học mácxít". Đến những năm 40 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã giành được địa vị thống trị. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi căn bản cơ cấu giai cấp xã hội. Trong xã hội tư bản, có hai giai cấp cơ bản là giai cấp tư sản giữ vị trí thống trị và giai cấp vô sản, làm tăng những mâu thuẫn vốn có của nó, đặc biệt là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản.
Học thuyết kinh tế của C. Mác, Ph. Ăngghen và sau này được Lênin phát triển là đỉnh cao của kinh tế học sản xuất, làm rõ bản chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thông qua hoàn thiện về lý thuyết giá trị - lao động, giá trị thặng dư, tiền lương, tư bản, quy luật của tích lũy tư bản,...
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền. Các đế quốc đua nhau xâm lược các nước châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Sự xâm lược và bóc lột thực dân làm cho nhân dân các thuộc địa rất khổ cực. Mâu thuẫn giữa các đế quốc với các dân tộc thuộc địa và mâu thuẫn giữa các đế quốc với nhau rất gay gắt. Khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp càng làm tăng thêm mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Trước bối cảnh đó, các học thuyết kinh tế của trường phái tư sản cổ điển tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản, do đó đòi hỏi phải có những học thuyết kinh tế mới thay thế. Nhiều trường phái kinh tế chính trị học tư sản xuất hiện để phân tích nền kinh tế thị trường. Những vấn đề này được trình bày trong nội dung trong Chương V "Các học thuyết kinh tế của trường phái tân cổ điển" và Chương VI "Các học thuyết kinh tế của trường phái Keynes", Chương VII "Quá trình xích lại của các tư tưởng kinh tế hiện đại", Chương VIII của cuốn sách đề cập tới "Tính đa dạng của các học thuyết kinh tế".
Ở giai đoạn này, tính độc quyền và sự tăng cường tập trung sản xuất và tích tụ tư bản, thiếp lập sự thống trị của các tổ chức độc quyền trong các ngành công nghiệp then chốt, tập trung cao độ tư bản ngân hàng. Một nguyên nhân nữa đó là sự thoái trào của môn kinh tế chính trị tư sản cổ điển, với những lý luận cổ điển không còn thích hợp với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản khi nó bước vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền. Những người đại diện cho lý thuyết thể chế cho rằng: động lực của sự phát triển xã hội là các thể chế. Bên cạnh đó là sự vận động của lý thuyết kinh tế nảy sinh và phát triển khuynh hướng kinh tế lượng. Kinh tế lượng gắn bó chặt chẽ với lịch sử học thuyết kinh tế và được sinh ra trong lòng học thuyết kinh tế. Vì vậy, kinh tế lượng cũng phản ánh được sự tiến hóa của học thuyết kinh tế. Sự tiến hóa của kinh tế lượng chịu ảnh hưởng của sự phát triển các phương pháp phân tích toán học và thống kê học...
Đặc biệt, bạn đọc cũng có thể nghiên cứu, tìm hiểu về sự ra đời, đặc điểm, những nội dung chủ yếu của lý thuyết kinh tế chuyển đổi, một số lý thuyết kinh tế chuyển đổi của Liên bang Nga và Trung Quốc (tại Chương IX); các lý thuyết hiện đại về phát triển kinh tế từ cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX như: lý thuyết cất cánh, khuynh hướng tương tác của Alexander Gerschenkron, khuynh hướng phân tích cơ cấu - lý thuyết phát triển hiện đại của Simom Kuznets, lý thuyết về "vòng luẩn quẩn" và "cú huých từ bên ngoài", ký thuyết tăng trưởng kinh tế ở châu Á "gió mùa", tư tưởng của Arthur Lewis về mô hình kinh tế nhị nguyên, tư tưởng của Amartya Sen về khía cạnh đạo đức trong các vấn đề kinh tế thiết yếu ở các nước đang phát triển (Chương X).
Có thể nói, cuốn sách Lịch sử các học thuyết kinh tế cung cấp lượng tri thức phong phú nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển, của các hệ thống quan điểm kinh tế từ cổ đại tới hiện đại. Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích cho giảng dạy và nghiên cứu về lịch sử các học thuyết kinh tế, đặc biệt đối với giảng viên giảng dạy môn học này ở các trường đại học khối kinh tế.