Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học. Nhưng Thế Tôn năm xưa còn tại thế, đối với người tu khổ hạnh, chữ hạnh này đọc thanh thứ tư, đọc là “hêng”, đó là động từ, tức là đặc biệt tán thán tu khổ hạnh. Vậy có mâu thuẫn với những gì Phật nói không? Xin thưa với quý vị là không mâu thuẫn. Nếu như chỉ thấy từ bên ngoài thì dường như là mâu thuẫn với pháp Phật nói, nhưng trên thực tế là bổ sung cho nhau. Khổ, lìa khổ được vui. Khổ là gì vậy? Tam đồ khổ, lục đạo khổ. Lục đạo, nói cõi người, chúng ta hiện nay ở cõi người, mọi điều nghe thấy đều cho rằng đây là cảnh giới hiện lượng, đây là sự thật. Bạn nói cõi trời, cõi trời vui. Nói địa ngục, ngạ quỷ khổ. Họ nói, chúng tôi chưa nhìn thấy, rất khó thể hội. Nhưng Phật pháp nói cho bạn biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Ngài nói cho bạn mười pháp giới, nói cho bạn nghe quá khứ, hiện tại, vị lai; nói rõ chân tướng của vũ trụ, vậy đã biến thành Phật pháp cao sâu, không phải là cái mà người sơ học hoặc người tri thức nông cạn có thể lĩnh hội được. Vậy tại sao Phật lại tán thán khổ hạnh? Mỗi người đều biết, bản thân chúng ta tập khí nghiệp chướng rất nặng, có ai mà không hy vọng mình tiêu nghiệp chướng, tăng trí tuệ? Điều này mọi người nhắc đến thì không có ai mà không mong muốn. Nhưng quý vị nên biết rằng, bằng lòng trải qua đời sống gian khổ thì nghiệp chướng tiêu nhanh nhất, tiêu triệt để nhất. Điều này không khó hiểu, chỉ trách bản thân chúng ta trong đời sống thường ngày sơ ý, lãng quên mất đi sự việc này.