Kể từ sau giai đoạn Đổi mới, các học giả nước ngoài có điều kiện nghiên cứu thực địa ở nước ta dễ dàng hơn, điều đó đã khiến cho nhiều nhà nhân học và xã hội học tìm đến châu thổ sông Hồng. Các học giả nước ngoài, hoặc nghiên cứu độc lập, hoặc hợp tác nghiên cứu với các viện khoa học Việt Nam, đều hướng việc tìm hiểu vào những biến đổi từ mô hình tập thể hoá xã hội chủ nghĩa, chuyển sang xây dựng mô hình mới, dựa trên tính tự chủ của hộ nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ trong những năm qua.
Để hoàn thành công trình này, John Kleinen đã phải tham khảo nhiều tư liệu của hầu hết các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về Việt Nam nói chung và về nông thôn Việt Nam nói riêng. Ngoài ra ông đã nhiều lần đến Việt Nam, gặp gỡ trao đổi với các nhà sử học như Gs Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trương Hữu Quýnh... đến thăm nhiều địa phương miền Bắc và sống một thời gian dài với dân làng Tơ. Cuốn sách không đơn thuần là một công trình của lý trí, mà còn là kết quả của sự gắn bó chân thành của tác giả với con người Việt Nam, tình yêu của ông với đất nước Việt Nam.
Trong sự phát triển kinh tế, xã hội văn hoá Việt Nam, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhưng từ trước đến nay, phần lớn các nghiên cứu của chúng ta chỉ mới nhìn nông thôn trong lịch sử với sự nhận diện cấu trúc làng xã, tức là mặt tĩnh của nông thôn. Vì vậy cần nghiên cứu cả phương diện động, tức là những đổi thay xã hội của làng quê Việt Nam, đặc biệt trong thế kỷ XX, thế kỷ mà ở những thập niên cuối cùng, Việt Nam đã tích cực khởi động cho sự nghiệp "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" trên đường hội nhập với thế giới. Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ đã góp một cách nhìn động vào xã hội nông thôn Việt Nam ngày nay, đây chính là giá trị cơ bản của công trình.