Làng nghề là một vốn quý của dân tộc Việt Nam ta, không những có giá trị về kinh tế trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần ổn định nông thôn, xây dựng nông thôn mới, mà quan trọng hơn nữa, làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc, thể hiện qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với sự cống hiến đầy sáng tạo và hết sức giá trị của các nghệ nhân.
Bảo tồn và phát triển làng nghề là một nhiệm vụ rất có ý nghĩa trong công cuộc phát triển đất nước ta ngày nay, khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, để đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công.
Tập sách này gồm những bài chọn lọc trong nhiều bài viết, chuyên đề đã đăng báo hoặc phát biểu tại các cuộc hội thảo trong thời gian gần đây của tác giả về làng nghề cùng những bài viết có liên quan về đổi mới thể chế kinh tế, cải cách hành chính... là những điều kiện không thể thiếu để bảo tồn và phát triển làng nghề. Những bài viết trong tập này có thể còn chưa đủ sâu sắc, chưa toàn diện, song đó là những nhận thức, giải pháp tâm huyết của tác giả về làng nghề sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát tại nhiều làng nghề trong cả nước và qua tiếp thu nhiều ý kiến có giá trị của những chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm cùng những nghệ nhân mà tác giả được may mắn tiếp xúc.