Nói đến Đồng Tháp Mười thì không thể không nói đến hoa sen. Loài hoa đã đi vào thơ ca, nhạc họa, tiềm thức của con người và trở thành biểu tượng văn hóa của vùng đất:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre,
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
Đồng Tháp Mười cũng rất nên thơ và nhân sinh qua những phận người mỏng manh, lam lũ, nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn. Như hình ảnh những thợ săn rắn mối giữa cánh đồng nước mênh mông; hay cảnh những lão nông trầm ngâm đợi chờ con nước đỏ như ngóng trông một nỗi niềm chất chứa từ mẹ thiên nhiên. Đó còn là những lão ngư câu cá bông lau, những phu lúa, những thợ cắt khóm… cũng góp phần tạo nên bức tranh đời sống miệt Tháp Mười. Kỳ lạ và huyền bí hơn cả là những mùa lúa trời, lúa ma của riêng đất và người xứ nước nổi. Một giống lúa không ai có thể gieo trồng được, chỉ tự sinh tự diệt theo con nước đầy vơi của tạo hóa.
Đất và người miệt Đồng Tháp Mười còn là nơi lưu giữ những “nghề của đời người” - những phương thức mưu sinh còn nguyên sơ, nguyên thủy. Những thương hồ ghe lu, những gánh xe chợ đẩy, những hàng giăng hàng dớn đón cá tôm, những mùa len trâu,… là những nghề đã gắn bó với năm tháng đời người để trở thành một biểu tượng, một nét văn hóa của vùng đồng đất châu thổ.
Những vẻ đẹp chân chất hồn nhiên của xứ Đồng Tháp Mười được nhà báo Đoàn Đại Trí ghi lại thật sinh động và ấn tượng trong tập ký sự "Lam lũ những mùa hoa". Bằng giọng văn chân thành, mộc mạc và giản dị như chính những con người nơi đồng đất, tác giả đã phác họa được những nét đẹp tự nhiên, tuy lam lũ mà vẫn rất hồn hậu, bình dị.
Qua từng trang sách, chúng ta sẽ được cùng tác giả rong ruổi khắp đồng quê, được sống giữa thiên nhiên hoang sơ; được gặp gỡ, trò chuyện với những người nông dân chất phác; để rồi không khỏi bất ngờ đến thú vị khi thấy ẩn sau những hình ảnh quen thuộc hàng ngày như cái lu đựng nước, cây cầu khỉ, xe đẩy hàng, con đò dọc hay đám chà dưới sông… lại ẩn chứa những giá trị văn hóa lịch sử bao đời của một vùng đất với những phận người lam lũ cùng năm tháng.