"Lê Khắc Hoan là nhà báo kì cựu, giỏi toàn diện. Trong tác phẩm "Làm báo - Mực mài nước mắt" có nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những "bếp núc" của nghề báo được tái hiện rất sống động. Nhưng cao hơn nữa, ông có tầm nhìn rộng ra cả quá trình nửa thế kỷ báo chí Giáo dục, cả thời cuộc, do vậy tác phẩm có tầm khái quát cao khi kể về sự hình thành, phát triển của một tờ báo trong cơ chế thị trường mới mẻ; tích cực và tiêu cực đan xen, giành giật giằng co, đấu tranh quyết liệt... Tờ báo phát triển mạnh mẽ đến đỉnh cao chói lọi và bất ngờ... diệt vong!
Ẩn hiện trong đó là những suy ngẫm chiêm nghiệm về nghề báo trong những bối cảnh lịch sử... Người am hiểu về báo chí có thể nhìn ra những điều sâu sắc và lý thú liên quan đến Triết lý báo chí."
(Nguyễn Vũ Tiềm - Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam)
"Sau Trăm năm ly hợp, nhân vật Văn Trí lại xuất hiện trong tập sách bạn đang cầm trên tay - Làm Báo - Mực Mài Nước Mắt.
Văn Trí chính là Lê Khắc Khoan, tuy hai mà một, tuy một mà hai: Nhân vậy này đã thành một "nhãn hiệu trình tòa... văn chương". Bằng nhãn hiệu này, cách "thoát xác" này, người viết muốn giữ cho các trang sách phi hư cấu của mình trách nhiệm một ký giả, nhưng cũng bằng cách này, chính ký giả ấy được siêu hư cấu, tung tẩy trong bút pháp linh hoạt của một tác giả tự truyện, tự phân thân, biến mình thành hắn, kiển dòng ký ức cá nhân vốn đơn thanh trở thành đa thanh..."
(Nhà văn Trần Quốc Toàn)
"Một trí nhờ kỳ lạ, một bút lực sung mãn đến tận cùng. Những ai làm nghề giáo, những ai quan tâm đến giáo dục sẽ gặp chính bóng dáng của mình. Những ai làm nghề báo sẽ nhận ra một cẩm nang của nghề nghiệp, một người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường tìm kiếm và tái hiện sự thật."
(Nhà văn Hoàng Minh Tường)