Cuốn hồi ký của Greenspan được chia làm 2 phần khá rõ rệt. Phần thứ nhất như một tự truyện, kể lại sự nghiệp của Greenspan trong đó quan trọng nhất là 18 năm trên ghế chủ tịch FED (1987-2006). Phần thứ hai là những quan niệm và đánh giá của ông về các vấn đề kinh tế chính trị nói chung ở nước Mỹ và thế giới.
Kỷ nguyên hỗn loạn (Tên gốc: The Age of Turbulence) được Alan Greenspan viết sau khi rời nhiệm sở vào năm 2006 và xuất bản vào giữa năm 2007 ở Mỹ.
Đó là thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính nên đương nhiên toàn bộ cuốn sách không đả động gì đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Cũng mãi tới những ngày cuối của năm 2008, bản dịch tiếng Việt mới xuất hiện ở Việt Nam.
Nhưng không vì những lý do trên mà cuộc hồi ký mất đi tính thời sự của nó mà ngược lại, cuộc khủng hoảng lại khiến người đọc tò mò muốn nhìn lại di sản cũng như thế giới quan kinh tế của Greenspan, một thế giới quan mà không ít nhà phân tích cho là đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.
Tín đồ của Adam Smith
Các thị trường dường như thích nghi tốt trong hàng giờ, hàng ngày như thể được điểu chỉnh bởi "bàn tay vô hình quốc tế".
Rất nhiều lần trong cuốn sách, Greenspan nhắc tới "sư phụ" Adam Smith và bàn tay vô hình. Có thể coi Greenspan là môn đồ hay chính xác hơn là tín đồ của giáo phái thị trường tự do mà ông tổ là Adam Smith.
Mặc dù 19 năm ở vị trí điều tiết nền kinh tế bằng các công cụ tiền tệ, nhưng Greenspan không tin nhiều vào sự can thiệp của luật lệ, của nhà nước dưới nhiều hình thức. Ông khẳng định: "Bản chất của luật lệ là làm giảm tự do của thị trường, loại bỏ tự do chính là đặt toàn bộ quá trình cân bằng thị trường vào rủi ro" và "không thấy bất kỳ lý do nào biện minh cho việc tăng vai trò của nhà nước."
Alan Greenspan đã là một tín đồ trung thành
tín mộ lý thuyết "bàn tay vô hình" của Adam Smith
Nguồn: observer.com và instafinance.org
Thị trường tự do đã trở thành tín điều ăn sâu vào Greenspan và tạo ra khung tư duy của ông trong quá trình hoạch định chính sách. Trong quá khứ, chính Greenspan đã phản đối lời kêu gọi thắt chặt các luật lệ nhằm kiểm soát thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự đổ vỡ hàng loạt vừa qua.
Việc FED giảm lãi suất liên tục xuống mức thấp kỷ lục từ năm 2001 tới giữa năm 2004 đã tạo điều kiện hình thành bong bóng bất động sản khổng lồ. Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo nhưng Greenspan thời đó đã gạt đi những quan ngại như vậy.
Trong cuốn sách, Greenspan khẳng định: "Tôi sẽ nói với các độc giả rằng chúng ta không phải đối mặt với một chiếc bong bóng khổng lồ mà chỉ là những bọt nhỏ, vô vàn những chiếc bong bóng bé xíu ở cấp độ địa phương và không bao giờ phồng to tới mức đe dọa thể trạng chung của nền kinh tế."
Sự thật là Greenspan đã sai, bong bóng đã phình đại và nổ tan tành chứ không phải chỉ là "những bọt nhỏ".
Khi đề cập đến nguy cơ từ công cụ tài chính mới CDS (trao đổi nợ tín dụng), công cụ giúp chuyển rủi ro tín dụng cho một bên thứ ba, Greenspan viết "Không một tổ chức cho vay lớn nào vì thế mà bị khó khăn. Họ có dư khả năng chịu được cú đấm. Sự vỡ nợ hàng loạt của thời kỳ trước đã không tái diễn."
Mỗi lời tuyên bố của người đàn ông đứng đầu FED
đều khiến thế giới rúng động
Nguồn: coxandforkum.com
Thực tế sau đó đã diễn ra ngược lại, các tổ chức cho vay lớn phá sản hàng loạt, những công cụ kiểu CDS như chất xúc tác khiến quá trình đổ vỡ lan rộng tới mức không kiểm soát nổi.
Với Greenspan, tư tưởng thị trường tự do đã trở thành một ý thức hệ. Khi được hỏi trước thượng viện rằng có phải ý thức hệ đó đã đẩy ông tới những quyết định chính sách sai lầm mà giờ nếu có thể ông muốn thay đổi, Greenspan đã phải thừa nhận rằng:
"Vâng, tôi đã thấy những sai lầm. Tôi rất buồn vì thực tế đó."
Phá hủy không... sáng tạo
Ngoài Adam Smith, Alan Greenspan còn bị ảnh hưởng bởi hai "sư phụ" khác là nhà kinh tế học Joseph Schumpeter và nhà triết học John Locke.
Schumpeter nổi tiếng với quan điểm "sự phá hủy mang tính sáng tạo". Quan điểm này cho rằng trong một thị trường tự do, áp lực cạnh tranh khiến các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi công nghệ, sản phẩm...
Những cái lỗi thời liên tục bị phá hủy nhưng đó là sự phá hủy mang tính sáng tạo, sự phá hủy mang tới sự tiến bộ chứ không phải hủy diệt. Tính ưu việt của thị trường tự do cạnh tranh là bởi những sự phá hủy mang tính sáng tạo như vậy.
Cuộc khủng hoảng hiện nay quả thật đã phá hủy nhưng không thấy sáng tạo đâu. Đổ vỡ thì nhiều thậm chí quá nhiều nhưng không có sáng tạo nào nảy sinh ra cả. Tính ưu việt của thị trường cạnh tranh đã bị thách thức nghiêm trọng trước những tan vỡ dây chuyền ở phố Wall.
Greenspan cũng rất mến mộ John Locke, một triết gia người Anh ở thế kỷ 17. Nhà triết học này đã đóng góp cho kỷ nguyên Ánh sáng bằng cách khơi dậy một loạt những nguyên tắc tự do, đặc biệt là tự do sở hữu. Ông này đã viết rằng: con người từ trong bản chất có một sức mạnh để đảm bảo "quyền sống, quyền tự do và tài sản, chống lại bất kỳ một hành vi xâm phạm hay âm mưu xâm phạm nào của người khác."
Giờ thì không chỉ người kế nhiệm của Alan Greenspan phải hứng hậu quả,
Greenspan bị buộc tội vì đã "ngấm ngầm"
gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ghê gớm hiện nay
Nguồn: blogger.com
Khá vui là trong cuốn sách này, Greenspan dùng tư tưởng thượng tôn sở hữu của John Lock để biện minh cho việc nới rộng các điều kiện cho vay mua nhà của Mỹ. Greenspan viết: "Tôi hiểu rằng nới rộng điều kiện cầm cố tín dụng cho những người vay thứ cấp sẽ làm tăng rủi ro tài chính, sáng kiến sở hữu nhà kiểu bao cấp như vậy đang bóp méo hoạt động và kết quả thị trường.
Nhưng tôi tin tưởng rằng lợi ích của việc mở rộng quyền sở hữu nhà là đáng để mạo hiểm. Bảo vệ quyền sở hữu là nhân tố cực kỳ quan trọng của kinh tế thị trường, đòi hỏi thật nhiều người có quyền sở hữu đó để duy trì sự hậu thuẫn chính trị."
Sự thật là năm 2006, gần 69% các gia đình Mỹ sở hữu nhà riêng, so với mức 64% năm 1994 và 44% năm 1940. Nhiều người có nhà hơn thật nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa nhiều khi nhà cửa được mua bằng những khoản vay dưới chuẩn. Bong bóng nhà cửa bùng vỡ tan nát đã làm lộ rõ tính bất hợp lý trong những lập luận trên của Greenspan.
Bất định và hỗn loạn
"Vai trò của FED là cất bình rượu punch đi ngay khi bữa tiệc bắt đầu sôi động."
Người ta thường nói như vậy về vai trò của FED. Bất kỳ khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng, Greenspan phải sử dụng ngay tới "thanh bảo kiếm" của mình là lãi suất để triệt giảm nguy cơ tăng giá. Nhưng lần này thì có vẻ như bữa tiệc đã sôi động quá mà bình rượu punch vẫn chưa được cất đi.
Vậy nên, gần đây, Greenspan đã không thoái thác mà thừa nhận rằng ông đã "sai một phần". Dành cả cuộc đời để nghiên cứu và suy ngẫm về kinh tế học, nhưng đến thời điểm này, nhà kinh tế học lỗi lạc bỗng cay đắng phát biểu: "Trụ cột quan trọng của cạnh tranh và thị trường tự do đã đổ vỡ. Tôi cũng chưa hiểu rõ toàn bộ sự việc xảy ra như thế nào."
"Cơn sóng thần thế kỷ", cách gọi của Greenspan về cuộc khủng hoảng hiện nay, là "quá sức tưởng tượng của ông."
Greenspan đặt tên cuốn sách của mình là Kỷ nguyên hỗn loạn. Kỷ nguyên ông đã trải qua thực sự là một giai đoạn kinh tế thăng trầm với không ít những lần khủng hoảng và suy thoái. Nhưng tiếc là, Greenspan đã rửa tay gác kiếm trước khi giai đoạn hỗn loạn nhất trong cái kỷ nguyên hỗn loạn ấy bắt đầu.
Nếu như Greenspan tại nhiệm thêm 2 năm nữa, thì cuốn sách có thể sẽ khác đi nhiều, có thể sẽ không còn những lập luận chắc nịch về lý tưởng thị trường tự do cạnh tranh như Greenspan đã viết. Dẫu sao, cuốn sách đồ sộ này vẫn cho thấy ít nhất một điều: Greenspan là một nhà hoạt động thực tiễn dày dặn kinh nghiệm và là một trí tuệ lớn trong thời đại "hỗn loạn" của ông.
Khánh Duy