Tập hai của bộ sách Kho tàng Truyện Trạng Việt Nam miêu tả những vùng quê, vùng đất có trữ lượng truyện trạng, truyện cười phong phú và sinh động nhất, thường được mệnh danh là làng Trạng hay làng cười.
Trong đời sống thường nhật, chúng ta hay gặp không ít địa phương (có thể là một làng quê, một xã hay nhiều xã liền kề) ở đó người dân có tập quán thích nói ví von, nói ngoa, nói trạng đậm chất hài hước, dí dỏm, sáng tạo trong cách giao tiếp, ứng xử, trong sinh hoạt hàng ngày như một nét trội về ứng xử văn hóa của con người ở nơi đó. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở người Việt, mà cả ở một số người thuộc các dân tộc anh em như: Mường, Tày, H’Mông, Thái, Êđê, Chăm, Khơme…
Các cuốn sách cũng miêu tả về khoa cử của thời xưa và danh sách các Trạng nguyên được phong tặng. Ngoài ra, còn có danh sách các “ông Trạng” không có học hàm, học vị nhưng được dân gian công nhận hoặc suy tôn.
Ngoài ra, trong phần Phụ lục còn có phần tập hợp những ý kiến của các nhà nghiên cứu về Truyện Trạng được trích dẫn từ các sách như Tuyển tập truyện cười, Từ điển văn học, các Giáo trình văn học của các trường Đại học, các tạp chí Văn hóa, Văn học đã được xuất bản, nhằm cung cấp cho độc giả tài liệu để tham khảo thêm.