Hồi ký là những ghi chép về quá khứ, nhưng khác với sử ký, nó là tiếng nói câu thúc bởi những vấn đề đương đại, chuyện hôm qua cần kể lại, xét cho cùng, là vì nhu cầu của cuộc sống hôm nay. Câu chuyện cuộc đời của tác giả Nguyễn Long Trảo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hồi ký của ông không phải là một kiểu sơn son quá khứ bản thân, mà là những trang văn trăn trở, ký thác không ít những điều tâm huyết, gan ruột, bật lên từ cuộc sống hiện tại…
…Gấp lại trang cuối cùng tập hồi ký, tôi mường tượng hình dung đến những độc giả tương lai của cuốn sách. Chắc chắn các độc giả đầu tiên sẽ là những người “cùng chung khúc quân hành” với người kể chuyện. Cuốn sách sẽ đánh thức trong họ ký ức sống động về một cuộc trường chinh dân tộc mà mình là người đã từng tham dự và chứng kiến, qua đó cũng có thể tự hào rằng mình đã có một thời sống đẹp. Đối với các cháu thanh niên, học sinh, sinh viên, thì cuốn hồi ký này đã ghi lại hành trình cuộc đời của một con người cụ thể từng sống dưới chế độ thực dân thuộc địa, đã được giác ngộ tham gia cách mạng rồi từng bước trở thành cán bộ, đảng viên. Một con đường có đi ắt đến, chỉ duy nhất một yêu cầu: có một tình yêu nồng nàn đối với Tổ quốc. Thấp thoáng đâu đó người ta còn có thể nhìn thấy bối cảnh từng chặng đường lịch sử của cuộc đấu tranh trường kỳ giải phóng dân tộc và bước vào xây dựng hòa bình, nó có tác dụng như một bài học lịch sử ngoại khóa, sẽ giúp cho các độc giả thanh niên hình dung rõ hơn cuộc sống chiến đấu và lao động của cha ông mình trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. (Trích giới thiệu của PGS.TS Phạm Thành Hưng)