Xin đoan chắc với bạn đọc một điều rằng: đây là quyển nhật ký gia đình với nhiều chi tiết đắt giá, lôi cuốn. Nó chẳng khác nào một cuốn phim được quay chậm, giàu kịch tính, có nước mắt, nụ cười, có xung đột, có nút thắt - mở. Và quan trọng hơn hết là không làm người xem nhàm chán, bởi lẽ nó được viết từ một văn phong hóm hỉnh, dí dỏm, đáo để nhưng hết sức chân thực của một cây bút tập tễnh viết lần đầu, nhưng khá chắc tay.
Thông thường, các đọan văn thuyết phục và hay nhất thường nằm ở phần đầu hoặc giữa. Nhưng đối với nhật ký Khi lấy chàng… thì đi ngược lại quy luật. Càng đọc người ta càng thấy thú vị, càng thấy lôi cuốn, buộc phải tiếp tục tò mò xem “cô gái Hà Nội” thuộc thế hệ 8X này đã trải qua một quá trình yêu đương, lấy chồng, làm dâu và sinh con như thế nào?
Bắt đầu từ phần 13 trở đi, chúng ta sẽ phát hiện thêm nhiều góc cạnh đối kháng nhau trong đời sống nội tâm của nhân vật - cũng chính là tác giả. Tuy không hoàn toàn giống như bất kỳ ai từng bước vào đời sống hôn nhân đều tìm thấy một điều gì đấy để chia sẻ từ câu chuyện tự thuật sinh động này.
“Hoa hồng đẹp nhưng có gai” cũng như một cuộc hôn nhân dù hòan hảo cách mấy, dù trước đây hai người đều cảm thấy hài lòng về nhau, thảy đều có bất đồng và sóng gió. Điều cần thiết là họ giải quyết mâu thuẫn phát sinh ra sao? Dẫu có thất vọng đến cùng cực nhưng tận trong sâu thẳm, “cô gái Hà Nội” của chúng ta hiểu rằng khi có tình yêu và biết sống vì nhau thì mọi rào cản, khó khăn đều có thể vượt qua. Vì thế mặc cho hoa hồng có gai, nhưng ai cũng mong muốn sở hữu những đóa hồng rực rỡ.