Daniel Pennac chào đời năm 1944, trong một chuyến “tạm dừng chân” tạiCasablanca, Maroc. Sinh ra trong một gia đình công chức: cha ông là quân nhân, tốt nghiệp trường Bách Khoa, nên thường xuyên thay đổi nhiệm sở, vì thế suốt thời thơ ấu ông đã theo gia đình đi khắp nơi, từ Âu châu đến Phi châu, và cả Đông Nam Á. Ông đã hoàn tất luận án Văn chương Pháp tại Nice, và chính thức đảm nhiệm chức “Giáo sư Văn chương” ở Soissonss năm 1969, sau đó là Paris – Belleville. Hơn hai mươi năm dạy học, ông thường phụ trách những lớp gặp trở ngại và khó khăn, với những dị biệt đời sống hàng ngày, đầy bản chất của các dân tộc, bên cạnh những thiếu thốn phương tiện giáo dục cùng cái khổ cực của gia đình học sinh trong những xóm nghèo.
Tên họ đầy đủ của ông là: Daniel Pennacchioni – Để tránh những phiền phức – có thể – cho cha mình, Daniel Pennac đã thu ngắn họ mình lại khi cho ra đời tác phẩm đầu tay, bài văn đả kích, đó là quyển “Nghĩa vụ quân sự phục vụ cho ai?” (Nxb. Seuil, 1973).
Họ cho ông là “người sưu tầm tĩnh lặng” hoặc “nhà văn ngoại hạng”, nhưng tôi thích nhìn ông và gọi ông là “người u mặc thượng thừa” bởi ông thích lang thang trong những khu phố Bellevile-Pere Lachaise…
Thế kỷ hai mươi chúng ta có “kẻ độc tài” (le dictateur) - một bộ phim châm biếm độc đáo, trào phúng diệu kỳ của Charlie Chaplin; thế kỷ XXI chúng ta có “Le Dictateur et le hamac” của D.Pennac. Những cảnh đời và kỷ niệm “võng đong đưa” của ba năm sống (1978-1981) ở Brazil đã hồi sinh qua từng trang giấy. Ông đã tự thú: “Kẻ độc tài và chiếc võng” đã sống thật, và sâu đậm hơn cả những gì mà tôi đã ghi nhận, nó phong phú vượt khỏi những nhân vật có thật. Chúng ta sống cho quan điểm hay vì quan điểm mà chúng ta sống?
Sự xuất hiện của “Kẻ độc tài và chiếc võng” vào đầu năm 2003 đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi và làm chấn động sinh hoạt văn hóa thế giới. Đây cũng là quyển “best-seller” của năm 2003, đã được dịch trên ba mươi thứ tiếng. Daniel Pennac trở thành nhà văn của thế kỷ và cũng là nhà văn được dân tộc Pháp yêu chuộng.
Đôi mắt sâu sáng nửa hóm hỉnh cười, nửa bình thản châm biếm, nụ cười nhè nhẹ vành môi, nửa như say đắm dịu dàng mà nửa như xa lạ cách ngăn. Khuôn mặt không gây nhưng gò má hơi cao nên tạo vẻ nghiêm khắc lạnh lùng. Nhưng nếu chúng ta “vượt” qua cái ngoại thể hữu hình đó, lại gần với ông chúng ta mới khám phá cái nội tại của một con người giản dị bình dân. Chúng ta sẽ thấy cái hồn nhiên, chân chất của ông qua những mẩu đối thoại những tưởng vô thưởng vô phạt sớm nắng chiều mưa.
Daniel Pennac, một người “u mặc thượng thừa” mà “kính thế trọng vật”: ông theo dõi thường xuyên về đời sống loài người, từng nhịp chuyển động của nền kinh tế thị trường cũng như những biến giao chính kiến giữa các nguồn tư tưởng.
Vài tháng một lần, cũng có khi một tháng đôi ba lần, ông một mình ghé lại Foyer ViệtNam. Thong thả và tế nhị, ông kín đáo tìm lại chỗ ngồi quen thuộc của ông – mà chính chỗ ngồi này, Foyer Monge đã từng tiếp đón bao nhiêu là văn nghệ sĩ quê hương: nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hồng Vinh, nhà thơ Thanh Thảo, nhà quê bình Đặng Tiến, Kiến trúc sư Văn Ngọc, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, họa sĩ Trần Văn Liêm, nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong, nhà văn Đà Linh, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn…
Anh em chúng tôi ở Foyer vẫn quen gọi ông Pennac, với biệt hiệu thân thương “ông chuyên trị hủ tiếu” vì ông luôn dung món hủ tiếu đã bao năm qua và chưa hề thay đổi.
Khi tôi tặng tập thơ “Bàn chân dưới đất” của nhà thơ Võ Văn Thận (dĩ nhiên bằng chữ Mẹ), ông đã bày tỏ sự xúc động sâu xa, và hứa sẽ trân trọng giữ gìn, và nhất định tìm người chuyển ngữ để ông hiểu thêm về thơ Việt. Ông nói thêm trước khi chia tay:
Người ta thường tặng tôi thơ văn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, đây là lần đầu tiên tôi nhận được một tập thơ bằng tiếng mẹ đẻ của tác giả. Ông còn nói thêm: “Sách không phải là một món hàng như các loại hàng hóa khác, nó có chỗ đứng thiêng liêng riêng biệt của chính nó…
Paris, 25.12.2004
LÝ HỒNG NGỌC
Nhà nghiên cứu văn học