Hồ Tây và các Làng Cổ xung quanh Hồ Tây từ nhiều năm nay luôn là một kho tàng bí mật để mọi người tìm hiểu.
Từ thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn có tác phẩm Tây Hồ chí ghi chép về Hồ Tây với 15 mục cũng là một quyển sách để người sau dùng nó mà tranh cãi, phục dựng các vấn đề liên quan.
Nhưng từ thế kỷ XIX đến nay đã hơn 100 năm, cảnh và người chung quanh Hồ Tây đều đã thay đổi. Những thu thập, ghi chép trong Tây Hồ chí có mục đã thành dĩ vãng nhưng cũng có vấn đề mới phát sinh mà nhiều tác giả không kịp ghi chép.
Trong khoảng 50 năm qua cũng đã có nhiều tác giả đi sưu tầm, ghi chép, nhưng các tác phẩm thường có sự chọn trùng nơi khai thác nên đề tài chùm lấp lên nhau, hơn nữa, trước năm 1986 là thời kỳ chưa đổi mới, còn nhiều "cấm kỵ" nên rất nhiều tư liệu vẫn nằm im trong kho do đó người kể chuyện thường "tam sao thất bản" không có gì để so sánh thực hư. Nên tác giả đó dù đã bỏ nhiều công tìm hiểu, mà vẫn cảm thấy còn có điều bất cập...
Tôi là người đi sau các vị đáng kính trong công tác sưu tầm văn nghệ dân gian, cũng bạo gan chọn đề tài sưu tầm tư liệu tại 17 làng ven hồ đã và đang bị quá trình đô thị hóa đe dọa. Có làng sắp trở thành đường mới, người dân địa phương sẽ định cư nơi đâu và chuyện làng cũng sẽ chìm vào dĩ vãng... Và điều này đã thôi thúc tôi đến với công việc ghi chép. Hình như trời cũng rất công bằng, không cho ai lấy được nhiều, ban phát cho những người có lòng tìm hiểu, có chí sưu tầm mỗi người một chút. Vì thế mà "kho tàng văn nghệ dân gian các làng quanh Hồ Tây" còn lại đến ngày nay.
Công việc điền dã này vất vả, đôi lúc có cảm giác thất bại, vì tìm vàng trong cát đã khó, tìm vàng trong sỏi lại càng khó hơn. Nhưng có một câu chuyện dân gian Việt Nam đã kể rằng: "đất sỏi vẫn có chạch vàng" khích lệ lòng kiên nhẫn của con người, nên tôi đã có công trình này giới thiệu với quý vị.