Có thể ví cuốn sách như chiếc hộp diệu kì, mở ra một dòng thơ ấu hết sức hồn nhiên, trong sáng và cực kì quyết liệt, dòng chảy đó đong đầy niềm vui song cũng chở theo cả nỗi buồn. Dẫu vậy, nụ cười vẫn chiếm ưu thế, bởi tác giả từng chia sẻ chị muốn chọn những kỉ niệm vui tươi, những điều lấp lánh để viết ra.
Trần Ngọc Anh Thư có cách viết thật giản dị, trong veo – chính là giọng điệu của cô bé Cún chưa tròn 10 tuổi. Cô bé ấy ngây ngô nhưng cũng rất cá tính, cô luôn quan sát thế giới xung quanh với một lăng kính riêng, ngẫm nghĩ và cảm nhận nó theo những lối khác biệt, đúng như lời tự nhủ lặp đi lặp lại: “…just the way she thinks”.
Bởi “…just the way she thinks” nên Cún vô cùng nghịch ngợm, cứ “một mình một kiểu” đến mức có lúc bị đánh đòn. Nhưng nào ai có thể không yêu mến Cún vì những cảm xúc bồng bột mà tròn đầy của cô bé, vì trái tim non nớt luôn đập nhịp yêu thương: không chỉ yêu bố mẹ, em Vân, em Tũn, yêu gia đình mà Cún còn biết nâng niu từng bông hoa ngọn cỏ, quý mến cả cây hồng xiêm, cây ổi, rồi chùm dâu da xoan, quấn quýt bên những con vật nuôi như chim sáo… Thế giới nội tâm của cô bé sao mà phong phú, chan chứa sắc màu – có khi đó là tinh thần “trượng nghĩa” mạnh mẽ, lại có lúc là thoáng mộng mơ, yếu đuối, Cún đang chạy nhảy dưới mặt đất thật đấy, rồi thoắt cái đã bay bổng trên mây gió!
Thật ngạc nhiên, Cún – một cô bé tí xíu, ngây thơ lại có thể truyền cảm hứng cho người đọc đến vậy: các bạn nhỏ hẳn là sẽ yêu quý và bật cười khúc khích với Cún rồi, nhưng người lớn cũng sẽ “học” được từ Cún cách để yêu thương, để trung thực, để đi tới tận cùng những gì mình cho là đúng đắn, như lời tâm sự của nhân vật hết sức lí lắc này: “To be honest and to love are two extremely important qualities to form a way of living, it can solve all problems”.