Trong bầu trời văn chương của nước Mỹ đầu thế kỉ thứ hai mươi. Theodore Dreiser nổi bật lên như một trong những ngôi sao sáng nhất.
Ông sinh ngày 27 tháng 8 năm 1871 tại Terre Haute bang Indiana và mất ngày 28 tháng 12 năm 1945 tại Hollywood bang California. Trong hơn bốn mươi năm lao động sáng tạo Dreiser đã cho ra đời tất cả năm bộ tiểu thuyết cùng với một số đáng kể các truyện ngắn, ký sự, tiểu luận, chín vở kịch, hai tập tự truyện và hai tập thơ. Nôi tiếng nhất trong số đó là hai cuốn tiểu thuyết: “Một bi kịch nước Mỹ” và “Jennie Gerhardt”. Chính hai cuốn này đã đưa ông lên địa vị hàng đầu trong văn đàn và được coi là người cha của nền văn học hiện thực nước Mỹ.
“Jennie Gerhardt”, tên sách đồng thời cũng là tên của nhân vật chính trong truyện. Một cô gái xinh đẹp, giàu lòng nhân ái, yêu lao động, hoàn toàn xứng đáng có hạnh phúc và có quyền được hưởng hạnh phúc. Nhưng xã hội tư bản với sự thống trị tuyệt đối của thế lực đồng tiền đã cướp đi của cô tất cả, từ miếng cơm manh áo, đến quyền làm vợ, làm mẹ và thậm chí cả quyền được yêu thương, được xả thân cho người mình yêu dấu. Jennie yêu Brander, một thượng nghị sĩ, có con với ông ta, nhưng Brander thất bại trên đường sự nghiệp và chết đột ngột. Sau đó vài năm cô lại yêu Lester Kane, con trai một nhà đại tư bản. Với Lester, Jennie là người đàn bà lý tưởng mà anh đã bao năm tìm kiếm. Anh hết lòng yêu cô, mong muốn được là chồng chính thức của cô, mang lại cho cô một cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Mặc dù thế anh vẫn không làm sao vượt qua nổi cái cơ chế khắc nghiệt và vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản mà anh đang bị khuôn vào trong đó. Hai người vẫn phải chung sống một cách vụng trộm trong nỗi thắc thỏm, lo âu. Cuối cùng để được gìữ quyền thừa kế tài sản, Lester buộc lòng phải rời bỏ Jennie để kết hôn với một cô gái khác thuộc dòng dõi giàu có và quyền quý. Jennie tưởng rằng mình có thê sống một cuộc sống tạm gọi là hạnh phúc với đứa con duy nhất, con của thượng nghị sĩ Brander và chút tài sản mà Lester gây dựng cho. Nhưng thần chết đã cướp mất đứa con, cướp đi nốt nguồn an ủi cuối cùng của người đàn bà bất hạnh. Chỉ còn lại một thân một mình, bị bao vây giữa muôn ngàn khổ ải, Jennie vẫn cố sống và dành hết lòng nhân ái của mình vun đắp cho hai đứa con nuôi. Người đàn bà bị xã hội tư bản chà đạp ấy tuy căm giận đến cùng cực chế độ bất công vẫn không để mất đi ở mình lòng tin vào lương tri và nhân phẩm của con người.