“Vào năm Giáp Thân cách đây gần bốn mươi năm, ở quê tôi tại một làng ven biển có một cá Ông Voi trôi dạt vào bờ và mắc cạn chết. Dân làng chài suốt vùng biển quanh đó truyền đi tin “Đức Ông lụy”. Và một đám tang cá Voi rực rỡ, huyền bí đã ghi lại một ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của tôi, một cậu bé mười sáu tuổi lúc đó. Năm tháng qua đi, ký ức tuổi thơ không phai mờ luôn thúc đẩy tôi phải thể hiện những phong tục tín ngưỡng mà dân chài suốt bờ biển nước ta từ Bắc tới Nam đều tôn thờ. Tôi đã tìm hiểu nhiều tư liệu lịch sử, nhiều tư liệu dân tộc học… Tất cả như phù sa đọng mại, đọng mãi, từ ngọn nguồn chín khúc sông Rồng đã bồi nên vạn chài Vàm Đước. Và câu chuyện về chú bé con của cá Ông Voi cũng bắt đầu từ cái năm Vàm Đước ấy.
Chú bé con của cá Ông Voi, chú bé của huyền thoại đã kể cho tôi nghe về người anh hùng áo vải Quang Trung với trận thủy chiến Rạch Ngầm – Xoài Mút vang dội. Trong đó, chú kể về nhiều nhân vật mà lịch sử có nhắc đến và những sự kiện mà các sử gia còn ghi lại…. Những chú bé huyền thoại của tôi với sức tưởng tượng phong phú đã không bị ràng buộc nhiều vào các sự kiện lịch sử, các địa danh, tên người…
Và tôi, một người chép truyện đơn thuần, khi chép lại chuyện kể của chú bé, đã hết sức tôn trọng trí tưởng tượng phong phú ấy.”
—Nghiêm Đa Văn