Hương lửa dày âm điệu chiến tranh nhưng là những mảng sáng sinh sôi, tươi xanh sau trận đánh. Cái lạc quan luôn hằn rõ ngay ở cả những câu thơ đầy sắt thép: Sắt thép đánh ta vụt ào lên đánh trả/ Từng thân cây ngã xuống ngẩng đầu lên. Thật cảm động đến ngỡ ngàng trong chiến tranh ngay cả ở cái mùng cưới người thương đêm đêm: Đồn bên súng nổ/ Em ngồi mộng mơ may mùng cưới thành hôn/ Tuần trăng mật môi hôn còn bỡ ngỡ? Mùng cưới anh giăng nỗi nhớ hành quân… để rồi bật ra lẽ tự nhiên mà rơm rớm: Mùa xuân sau nắng reo chồi biếc/Anh mừng rơn thư em báo tin vui/ Cái mùng cưới qua đạn bom chiến dịch/ Làm bầu trời riêng con bộ đội chào đời (Cái mùng cưới).
Hương lửa luôn đượm cháy tình đồng đội. Đồng đội trong thơ Thanh Giang luôn trọng nghĩa tình, biết giữ gìn phẩm giá ở những nơi sống chết cận kề nhau. Đồng đội trong thơ Thanh Giang là những người được trui rèn qua đạn bom khốc liệt và cả những tháng ngày hòa bình gian khó. Vẫn chiến trường khốc liệt ấy, giọng thơ sáng trong ấy, nhưng cái chất Thanh Giang đã cho người đọc rung cảm khác thường: Ta đi đánh giặc đường xa/ Non sông một súng, cửa nhà một bao/ Trời xanh một nón đội đầu/ Chân mang giày đất quản bao thác ghềnh (Dọc đường Trường Sơn).
Hương lửa ở những khúc đời thường ngày hòa bình có không ít những câu thơ mộc mạc nhưng rất gợi khiến người đọc chẳng dễ gì quên được: Lần về dấu xưa xanh cỏ/ Mịt mù bụi đỏ Lộc Ninh/ Em quên mất mình/ Làn da mịn trắng (Bụi đỏ). Ruộng vàng trâu béo, bò no/ Sống ăn cỏ/ Hiến sữa cho con người (Ngọn cỏ).
Xin được trích lời Thanh Giang trong Lời thưa trước của Hương lửa thay cho lời kết: Trong các thể loại văn chương, đối với tôi, Thơ là siêu đẳng. Đó là tiếng thì thầm của trái tim thâm thúy đến lay động tâm hồn và trí tuệ con người