Trong thiên nhiên, thế núi có thiên hình vạn trạng: Có ngọn đứng lẻ loi đơn độc một mình (Độc phong), có ngọn kết hợp sóng đôi như để nương tựa vào nhau (Song phong), và cũng có nhiều ngọn liên kết trùng điệp núi tiếp núi thành những rặng núi (Lĩnh) dài bất tận, như dãy Trường Sơn kỳ vĩ kéo dài từ Bắc vào Nam của nước Việt ta...
Thế núi đã nhiều mà dáng núi cũng cô vùng đa dạng: Có ngọn mang khí thế hùng vĩ, cao chất nhất chẳng khác gì cây cột chống trời, cũng có ngọn có chiều cao vừa phải trông mộc mạc, bình dị đơn sơ..... Có ngọn vách dựng đứng chớn chở như một bức tường thành (Lập chương); hoặc mang dáng kỳ quái của hình người, hình thú hay những hình tượng lạ lẫm khác (Kỳ nham)...
Chính nhờ vào những dáng thế vừa kỳ lạ vừa hiểm trở như vậy nên mỗi ngọn núi đều có vẻ đẹp riêng của nó, và nhờ đó mới có đủ ma lực cuốn hút được sự thưởng ngoạn của mọi người.
Thế nhưng, với Non Bộ, thế núi được thu nhỏ gọn gàng vào chậu, vào bể cạn, không thể mang đủ những nét phóng túng và khoáng đạt như kiểu núi non bên ngoài được mà phải tuân theo những ước lệ, tuy không đến nỗi gò bó như niêm luật khắc khe của Đường Thi, nhưng cũng có những "phép tắc" riêng, những hạn chế riêng mà ta phải tuân thủ. Miễn sao phong cảnh núi non thiên nhiên được thu nhỏ đó vẫn mang được những nét kỳ vĩ tự nhiên của cảnh quan bên ngoài, qua cách cấu tạo các triền núi (Cương), những khe núi (Hác), những dốc núi (Pha), những thác nước (Bộc bố)..... như vậy hòn non bộ mới có giá trị, mới đủ sức thu hút được người xem. Cái khó khăn của chế tác hòn non bộ là những điểm cốt yếu đó.