Hơi Thở là nhu cầu tối thiết yếu của sự sống. Nếu nhịn ăn hơn mười ngày, cơ thể mới nguy hiểm; nếu nhịn uống hơn ba ngày, cơ thể sẽ nguy hiểm; nhưng chỉ cần mất hơi thở trong hai hoặc ba phút là ta chết liền. Thở là lấy khí oxy của trời đất vào phổi, rồi phổi đưa oxy vào trong máu, máu đưa oxy đi khắp cơ thể. Toàn bộ cơ thể đều cần oxy. Nếu thiếu oxy thì sự sống của cơ thể sẽ ngừng lại mà đầu tiên là não, thiếu oxy trong vài phút là não chết ngay. Mà khi não chết rồi thì ta xem như đã qua đời, dù các nội tạng phía dưới vẫn còn tốt. Từ mấy ngàn năm trước, tất cả các pháp tu thời cổ đại đã biết rằng khí công (chữ khí tức là hơi thở), là một công phu đặc biệt khiến cho người ta an ổn tinh thần, mở ra cánh cửa đi vào tâm linh và những điều phi thường, mầu nhiệm. Nếu con người đi tìm sức mạnh thì chính hơi thở cũng giúp họ mở ra con đường có được nội lực.
Việc tu hành rất gian nan vất vả, không chỉ kiếp này mà còn nhiều kiếp khác. Nếu không có nội lực, chúng ta sẽ không đi tiếp được trên con đường thiền định. Sức khỏe do hơi thở mang đến rất là bền vững. Nó khác với sức khỏe do ta luyện cơ bắp. Sức khỏe do ta luyện cơ bắp nó kéo dài không lâu theo cái luật vô thường của thân xác. Ví dụ, bình thường ta không tập luyện gì đến 50 tuổi ta bắt đầu đổ bệnh, ta suy yếu hết tất cả mà nếu ta biết tập luyện cơ bắp như kéo tạ, nhảy dây… thì 50 tuổi ta không bệnh ta kéo dài được đến 70 tuổi. Đó là tập luyện cơ bắp chỉ kéo dài thêm 20 năm rồi tàn nhưng nếu chúng ta luyện tập sức khỏe theo hơi thở thì nó phải kéo khoảng hơn 100 tuổi. Cho nên có những đạo sĩ sống đến 100 tuổi là chuyện bình thường, trừ nghiệp họ phải chết sớm vì nhân quả thì không ai thoát được dù mình đắc khí công đến cỡ nào rồi cũng phải chết. Nhưng luyện tập hơi thở nó kéo dài hơn luyện tập cơ bắp. Mà cái tồn tại của sức mạnh nội công đó nó theo ta vào cõi chết.
Nếu ta tu tập hơi thở đúng theo cách mà Đức Phật chỉ dạy thì chúng ta là đệ tử của Ngài. Đồng thời việc tích tụ nội lực bằng cách tập thở hỗ trợ rất lớn cho việc nhiếp tâm vào định về sau. Hiểu được nguyên lý này rồi ta cứ bình thản tu tập hơi thở cho thiện nghệ, khi quen rồi thì tự nhiên hơi thở ra vào đều đặn và niệm khởi không còn.