Hội Chợ Phù Hoa
Tiểu thuyết Hội chợ phù hoa là một bức tranh châm biếm xã hội Anh những năm đầu thế kỷ XIX. Ở đó, giá trị đạo đức khoác lên mình một vẻ ngoài kiêu sa, lộng lẫy để che đậy những điều thấp hèn và trần trụi. Sự phù phiếm như một cơn lốc cuốn bao người vào vòng xoáy cám dỗ và chà đạp lên những phẩm chất tốt đẹp vốn có.
Cuốn sách xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật nữ, Rebecca Sharp và Amelia Sedley, cùng với những mối quan hệ của họ giữa bạn bè và gia đình. Hai cô gái là hai thái cực đối lập nhau từ ngoại hình, tính cách đến cuộc đời và số phận. Nếu như Amelia có mái tóc sẫm màu, thì Becky (Rebecca) có mái tóc màu vàng óng ả. Nếu như khả năng âm nhạc của Amelia là do được rèn luyện thì tiếng hát trong veo của Becky lại là năng khiếu trời sinh. Nếu Amelia sinh trưởng từ một gia đình trung lưu giàu có thì Becky lại có xuất thân tầm thường khi có một người cha say sưa nát rượu và là con gái của một vũ nữ người Pháp. Amelia ngây thơ, trong sáng và thiện lương. Becky giả dối, toan tính và tàn nhẫn. Trong thế giới nơi Hội chợ phù hoa diễn ra, Amelia đóng vai trò một nạn nhân khi quá thụ động, lương thiện, còn Rebecca Sharp sắm vai một trong những “người bán hàng” tích cực, chủ động nhất.
Hội chợ phù hoa được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Thackeray, tác phẩm đã đưa tên tuổi của ông ra khắp thế giới, là nguồn cảm hứng sáng tạo của những nhà làm phim và được liệt vào hàng ngũ những tiểu thuyết kinh điển.
Thông qua tiểu thuyết Hội Chợ Phù hoa, đặc biệt là qua nhân vật Amelia, Thackeray đã bày tỏ sự trân trọng đối với cái tốt (là hiếm hoi trong xã hội này) và niềm tin rằng những người tốt bụng sẽ nhận được sự đáp đền xứng đáng. Và cũng từ đây, ngòi bút của tác giả đã vạch trần chân thực sự phù phiếm, giả dối của giai cấp thượng lưu Anh thời bấy giờ. Từ những thương nhân giàu có đến những vị quý tộc danh giá, tất cả thành phần trong xã hội thượng lưu Anh thế kỷ XIX đều chạy theo sức mạnh tối thượng của đồng tiền và danh vọng. Đó là hai thế lực có tác dụng nhào nặn tâm lý con người để đúc theo một cái khuôn chung và biến cuộc đời thành một cái chợ, trong đó mọi thứ quan hệ đều là những món hàng hóa hào nhoáng khiến ai nấy phải choáng ngợp vì sự lộng lẫy của chúng.