Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh toàn cầu hiện nay, các Tổ chức, Doanh nghiệp không có con đường nào khác ngoài việc không ngừng tự nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, nhằm đáp ứng liên tục nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổ chức. Việc áp dụng các hệ thống ISO để tăng cường công tác quản lý theo hệ thống, hay áp dụng các phương pháp và công cụ quản lý tiên tiến như Sản xuất tinh gọn Lean Manufacturing, Bảo trì năng suất tổng thể (Total Productivity Maintenance – TPM), Quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management – TQM), hay Quản trị chất lượng 6Sigma… được nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Liên Doanh áp dụng, đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn khá nhiều vấn đề, liên quan đến cả kiến thức, sự hiểu biết về các công cụ, lộ trình thực hiện của người triển khai, cũng như do tính chất đặc thù của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp là khác nhau, dẫn đến hiệu quả của các chương trình cải tiến chưa được như mong muốn.
Giải pháp cho vấn đề này phải dựa trên nền tảng là yếu tố về Con người. Yếu tố Con người ở đây chính là nói về Năng lực sẵn sàng làm việc (Job readiness skills) của mỗi cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh trong các tổ chức đó; bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng do học hỏi, tích lũy được trong mọi hoạt động, kể các tố chất sáng tạo, sự khôn ngoan, khả năng phối hợp, đạo đức và kỷ luật lao động…
Trong lĩnh vực nào thì con người cũng đứng ở vị trí trung tâm, con người là yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất, trình độ phát triển của Nguồn nhân lực là lợi thế phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn quan tâm đến phát triển con người sẽ góp phần đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bởi vì quá trình phát triển nguồn nhân lực là thước đo đánh giá sự phát triển của Doanh nghiệp. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự tốn kém về thời gian và chi phí. Nhưng thực hiện tốt công tác này sẽ mang lại vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tuy nhiên một thực tế hiện nay, các nội dung được đào tạo ở trường đại học đang được thực hiện theo việc giảng dạy về Chuyên môn (kinh tế hoặc kỹ thuật), trong khi tại Doanh nghiệp thì việc thực hiện tuyển dụng lại theo các vị trí công việc, trong đó mô tả các yêu cầu về cả kiến thức Chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm để đảm bảo Năng lực sẵn sàng làm việc của ứng viên. Chính vì vậy, giữa đào tạo và thực tế công việc đâu đó còn có hiện tượng “Học một đằng – Làm một nẻo”.
Với mong muốn được đóng góp công sức, hỗ trợ cho các Tổ chức và Doanh nghiệp của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay,dựa trên những kinh nghiệm đã thực hiện đào tạo, huấn luyện và triển khai tư vấn dự án cải tiến cho các doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, tác giả mạnh dạn xuất bản cuốn sách nhỏ này, tập trung vào việc hướng dẫn từng bước nâng cao Năng lực sẵn sàng làm việc thông qua việc thực hiện một dự án nghiên cứu, hay một dự án cải tiến. Các bước triển khai tuân theo các lộ trình và giai đoạn, giúp người đọc có được khái niệm và nhận thức cùng các công cụ, phương pháp nhằm đảm bảo năng lực sẵn sàng thực hiện các dự án cải tiến, nghiên cứu phát triển, phục vụ sản xuất và kinh doanh. Cuốn sách này cũng mong muốn là nơi để chia sẻ, trao đổi học thuật, các kinh nghiệm triển khai thực hiện cho các bạn bè, đồng nghiệp, cán bộ, sinh viên quan tâm.
Sách được viết thành 07 phần, theo đúng lộ trình triển khai của phương pháp luận Lean Six Sigma (R-DMAIC-V) bao gồm: Nhận diện - Xác định, Đo lường, Phân tích, Cải tiến, Kiểm soát – Xác nhận). Lộ trình này được áp dụng cho hầu hết các đề tài Nghiên cứu khoa học trong trường Đại học hay Viện nghiên cứu, các Dự án cải tiến Quy trình, Công đoạn hay cải thiện chỉ số đo lường (Key Performane Indicators – KPIs) trong các Tổ chức, Doanh nghiệp, gọi chung là Giải quyết vấn đề. Để cho tiện và thống nhất, tác giả sẽ sử dụng từ “Dự án” để chỉ chung cho các cụm từ “Đề tài Nghiên cứu Khoa học” hay “Dự án Cải tiến”. Nội dung mỗi một phần được tác giả diễn giải về Mục đích, Ý nghĩa,Triết lý và giới thiệu các Công cụ thực hiện. Sau khi độc giả nắm được tổng quan về Tư duy cốt lõi ứng với mỗi phần, từ đó có thể hiểu và có khả năng áp dụng linh hoạt các công cụ đã được liệt kê khi triển khai các Dự án thực tế trong công việc sau này. Nội dung chuyên sâu về các công cụ và cách áp dụng, cũng như ví dụ minh họa sẽ được tác giả quay trở lại ở một cuốn sách khác cùng các trường hợp nghiên cứu điển hình để độc giả có thể nắm được và áp dụng ngay.