Cuốn sách có giá trị nhiều mặt. Qua tác phẩm, độc giả được chứng kiến giai đoạn lịch sử đầy biến động bão táp và số phận cam go nhưng cũng rất đỗi oai hùng của Lý Long Tường, một nhân vật chưa được ghi trong sử sách. Cả một góc chìm khuất của lịch sử đã được hé lộ. Có thể xem đây chính là sự bổ sung quý báu để con người hôm nay có cái nhìn toàn vẹn, đầy đặn hơn về dòng họ Lý trong lịch sử dân tộc.
1. Xét từ đặc trưng thể loại, tiểu thuyết lịch sử nằm ở điểm giao thoa giữa sử học và văn học. Lịch sử là cái đã có, khi được tái hiện đòi hỏi sự chính xác, khách quan đến tuyệt đối. Trong khi đó, tiểu thuyết lại chú trọng sự sáng tạo, hư cấu mang đậm tính chủ quan của nhà văn. Từ những tư liệu lịch sử chính xác, nhà văn dùng quyền sáng tạo, hư cấu để phục dựng lại những thời kỳ lịch sử, bổ sung, lấp đầy đời sống, tâm lý các nhân vật lịch sử mà sách lịch sử chưa nói đến, làm cho chúng trở nên đầy đặn, sinh động hơn. Lịch sử - trong trường hợp này, trở thành chất liệu để nhà văn viết tiểu thuyết. Thậm chí nhiều khi lịch sử chỉ như cái đinh đóng vào tường để người viết có thể tuỳ thích treo vào đó những bức hoạ của riêng mình (Alexandre Dumas). Đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử, ấn tượng về lịch sử dù vẫn tồn tại, và vẫn cần thiết nhưng đã không còn ở bình diện thứ nhất mà nổi lên trước hết là ấn tượng của tiểu thuyết với bao vấn đề thế sự, đời thường cùng những sáng tạo mới mẻ, riêng biệt. Hoàng thúc Lý Long Tường là một tác phẩm như vậy.
Tư liệu về Lý Long Tường ở Việt Nam rất hiếm hoi, nhưng ở Hàn Quốc thì khá phong phú: những câu chuyện truyền khẩu, một số di tích và đặc biệt là bộ gia phả Hoa Sơn Lý thị tộc phổ, bài văn bia Thụ hàng môn kỷ tích bi… Theo những tư liệu này, Lý Long Tường là con vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông và là chú của vua Lý Huệ Tông. Ông lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong dẫn đến sự thay thế của vương triều Trần. Trước thảm họa đó, Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất nhà Lý vượt biển ẩn tránh sang Cao Ly. Ở đây, ông được vua Cao Ly ưu ái phong cấp tước hiệu, thực ấp; nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly; cùng quân dân Cao Ly kháng chiến, đánh tan hai cuộc xâm lăng của quân đội Mông Cổ vào năm 1255 và 1258.
Từ những tư liệu lịch sử này, nhà văn, nhà Đông phương học cổ điển Hàn Quốc Khương Vũ Hạc đã sáng tạo nên tác phẩm Hoàng thúc Lý Long Tường. Tác phẩm viết về giai đoạn bão giông của cuộc chuyển đổi vương triều từ Lý sang Trần. Dường như ông đã cố tình chọn lấy một lát cắt lịch sử đầy biến động để phân tích cho tường tận những xung đột, những bi hoan vơi đầy của nhân gian: chiến tranh, quyền lực, thân phận con người,… trong thời loạn thế. Ở đây, Khương Vũ Hạc đã không nhìn lịch sử là những số liệu hàn lâm được “ướp lạnh” mà lắng kết lịch sử ở chiều sâu số phận