Qua các nguồn tư liệu khác nhau được khai thác từ trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn tư liệu lưu trữ của Nội các triều Nguyễn như Châu bản, Đại Nam hội điển sự lệ; các công trình được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mệnh chính yếu… là những bằng chứng hùng hồn khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về chủ quyền Việt Nam trong suốt thời gian tồn tại của triều Nguyễn. Triều Nguyễn là triều đại kế tục xuất sắc việc thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa bằng giải pháp quân sự, hành chính, kinh tế, thuế khóa, xã hội và tâm linh của Nhà nước mà trước đó đã được các chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn từng bước xác lập. Tiếp nối triều Nguyễn là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam thời Pháp thuộc. Đó là cơ sở lịch sử và pháp lý để chính quyền Sài Gòn sau năm 1954 tiếp tục thực thi chủ quyền cho đến năm 1974, thời điểm Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng.
Cùng với nguồn tư liệu văn bản, các tác giả đã minh chứng chủ quyền Việt Nam bằng cả bộ sưu tập bản đồ cổ của triều Nguyễn và các tập bản đồ quốc tế, trong đó có các bản đồ của Trung Quốc và các nước trong khu vực nhưng chưa bao giờ xuất hiện quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trên lãnh thổ của họ. Tài liệu bản đồ rất phong phú đã được công bố trong những năm gần đây, nhưng do khuôn khổ của tập sách nên các tác giả chỉ chọn một số bản đồ tiêu biểu.
Tài liệu thực địa cũng tăng thêm độ tin cậy và làm phong phú cho nội dung của tập sách.
Do sách là tập hợp nhiều bài của nhiều tác giả được hoàn thành trong nhiều năm, trong đó có nhiều bài lần đầu tiên công bố trong tập sách này nên khó tránh được sự trùng lặp về tư liệu, đặc biệt là nguồn tư liệu gốc có giá trị. Tuy nhiên, mỗi tác giả khai thác tư liệu từ các khía cạnh khác nhau nên những tư liệu giá trị được khai thác triệt để càng tăng thêm giá trị của tập sách.