Hoàng Đế nội kinh ra đời cách đây đã mấy ngàn năm, là sách tổ của ngành y (y gia chi tông), là một cuốn sách kỳ lạ (kỳ thư) bậc nhất trong kho tàng văn hoá Trung Quốc, càng ngày càng toả sáng.
Những điểm toả sáng của Hoàng Đế nội kinh là thể hiện lòng thương dân, nuôi dân, chăm lo sức khoẻ của dân; đề cao y thuật, y đức của và học vấn của người thầy thuốc. Người thầy thuốc trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu nhân sự, mới có thể dạy dân dưỡng sinh, phòng bệnh, trị liệu bệnh tật cho dân.
Vua, triều đình, phải xem sinh mệnh, sức khoẻ của dân là sinh mệnh, là sự cường kiện của đất nước, chăm lo sức khoẻ cho dân, là một quốc sách, trong toàn bộ quốc kế, dân sinh. Nếu chính quyền lấy dân làm gốc, gốc đã bị bệnh thì thân, cành, nhánh cũng khó mạnh khoẻ.
Xưa nay, từ vua chúa, đến thứ dân, từ kẻ giàu sang đến kẻ nghèo khó, từ khi sinh ra, ai cũng mong muốn bảo toàn sinh mệnh, khao khát sống khoẻ, sống vui và sống thọ. Khi nào những khao khát, mong ước ấy vẫn còn, thì Hoàng Đế nội kinh vẫn còn nguyên giá trị.
Đó là những nguyên nhân, đã làm cho Hoàng Đế nội kinh sống mãi với thời gian, được tôn kính, xem trọng, khai phá và được ứng dụng trong mọi thời đại.
Phương pháp vẹn toàn nhất, là tự lo cho sinh mệnh, sức khoẻ của mình, đề phòng bệnh tật, phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Hoàng Đế nội kinh cho rằng, những bậc thánh nhân, những người thông minh coi trọng dưỡng sinh, phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
Muốn vậy, thì phải có sách vỡ, phải đọc sách và ứng dụng; tất nhiên không có cuốn sách nào toàn diện hơn, hay hơn, tin cậy hơn, là sách tổ của ngành y – Hoàng Đế nội kinh.