Hoàng đế là cuốn sách không chỉ mở đầu sự nghiệp quốc tế của phóng sự gia tầm cỡ nhất Ba Lan, mà còn đưa thể loại phóng sự lên ngang tầm văn học cao cấp.
Thể loại văn học rất đặc thù, hay gọi cách khác là viết theo văn phong báo chí, hoặc phóng sự, đã trở thành dấu hiệu nhận biết nhà thơ, nhà văn và nhà du hành Ba Lan Ryszard Kapuscinski. Chắc hẳn bản thân Ryszard Kapuscinski cũng không hề nghĩ rằng chính phóng sự đã cho ông cơ hội đi đến hầu như khắp nơi trên thế giới, đem lại cho ông danh tiếng quốc tế và một vị thế rất uy tín đối với các thế hệ nhà văn, nhà báo kế tiếp ông. Đã mười năm trôi qua kể từ ngày Ryszard Kapuscinski ra đi, nhưng ông vẫn là nhà văn có tác phẩm được dịch và xuất bản ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Những phóng sự viết từ những năm 60 hay 70 của thế kỷ XX không hề mất đi tính thời sự của chúng, còn ngôn ngữ dùng để sáng tạo ra chúng thì vẫn rất hấp dẫn, thôi miên và kích thích trí tưởng tượng của đông đảo bạn đọc.
Mặc dù đã ra đời được nửa thế kỷ, những cuốn sách nổi tiếng của Ryszard Kapuscinski như Hoàng đế hay Gỗ mun vẫn là những tác phẩm chứa đựng chuẩn mực của ngành báo, vẫn xứng đáng để chúng ta đọc và thưởng thức cách thức tác giả kể chuyện về thế giới. Ẩn sau những sáng tác của ông là một sự tò mò về thế giới và con người. Trong các cuốn sách của mình, hầu như không bao giờ ông giới thiệu về bản thân và các quan điểm cá nhân. Ông luôn cố gắng tìm hiểu và trình bày quan điểm của cả hai phía. Ông hành xử theo những gì đã được học trong trường phái phóng sự của Ba Lan – một trường phái có tên tuổi và được đánh giá cao trên thế giới, trường phái mà ông không chỉ là người đồng sáng lập, mà bản thân còn là một trong số những ngôi sao lớn. Những thế hệ phóng viên sau này trên toàn thế giới đã học được rất nhiều điều qua các bài giảng của ông và các hội thảo về ông.
Dưới ngòi bút của Ryszard Kapuscinski, những tác phẩm như Gỗ mun, Hoàng đế, Chiến tranh bóng đá, Szachinszach, Lapidarium, Thêm một ngày sống, Chân dung tự họa của người viết phóng sự, Đế chế hay cuối cùng là Du hành cùng Herodotus đã ra đời. Chúng vừa tạo nên yếu tố căn bản của phóng sự, vừa là lời khẳng định sự đam mê đặc trưng của tác giả. Mỗi cuốn sách là một kho tàng những lời khuyên quý báu về nghề nghiệp cũng như những hướng dẫn về cách sống. Chính sự linh hoạt trong sáng tác là nhân tố để sách của Kapuscinski đã và đang được dịch sang hàng chục ngôn ngữ thế giới. Tại Việt Nam, hai cuốn sách của Ryszard Kapuscinski đã đến tay bạn đọc, đó là Du hành cùng Herodotus và Gỗ mun do dịch giả Thái Linh chuyển ngữ. Ngoài ra bạn đọc Việt Nam có thể tiếp cận với một số trích đoạn của các cuốn sách khác. Tôi rất vui mừng khi cuốn Hoàng đế do Nguyễn Chí Thuật dịch sẽ là cuốn sách tiếp theo của Kapuscinski được ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Tác phẩm Hoàng đế chỉ ra những sự thật về thế giới, tác phẩm hấp dẫn độc giả bởi cách truyền đạt, nghệ thuật dùng ngôn từ và khả năng quan sát của tác giả. Hoàng đế chắc chắn là tác phẩm xứng đáng có được sự chú ý của độc giả Việt Nam và tôi hy vọng rằng, cũng như hàng ngàn độc giả trên khắp thế giới, Quý vị sẽ yêu thích cuốn sách đem lại tiếng vang lớn này của Ryszard Kapuscinski.
Tôi xin chúc Quý vị có được cảm nhận thật thú vị khi đọc Hoàng đế.
Barbara Szymanowska
Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam
Hà Nội, năm 2017