Hoài Vọng Phương Đông
Thi sĩ, họa sĩ, triết gia Kahlil Gibran, người gốc Li-băng (Lebanon), qua đời lúc 48 tuổi, để lại đằng sau một hình bóng sáng chói bất tử nhưng gây nhiều tranh cãi. Ông có quả thật là một ngôn sứ, một nhà sáng tạo đơn thuần đam mê, một con người cao thượng, sống đồng nhất với lời mình phát biểu, hay chỉ là kẻ đầy ray rứt vì nhớ quê hương khi phải sống lưu vong nơi xứ người như ông bày tỏ trong cuốn Hoài vọng phương Đông này, và đồng thời là kẻ bị dằn vặt giữa sứ mệnh cao thượng và bản thân tục lụy như ông từng than thở với người bạn thân tín, triết gia A Rập M. Naimy rằng “Tôi là chuông báo thức giả”?
Gần 50 lá thư của Gibran, viết bằng tiếng A Rập rải rác từ năm 1902 tới năm 1930 cho thân phụ, các văn hữu, người yêu, v.v. do Anthony R. Ferris biên tập và dịch sang tiếng Anh, làm thành cuốn Hoài Vọng Phương Đông (K. Gibran, A Self-Portrait — Chân dung tự họa, 1959) này sẽ cho ta nghe tiếng nói của chính ông — nhân vật chính và nguồn mạch của mọi thông tin - với cơn khát khôn nguôi được quay về quê hương phương Đông của mình.