Chúng ta có thể kết luận rằng cầu nguyện bao giờ cũng có kết quả, và mức thành công của cầu nguyện tùy thuộc vào phẩm chất của cầu nguyện.
Nếu biết cầu nguyện thì chắc chắn chúng ta sẽ được đáp ứng.
Khi cầu nguyện, chúng ta phải có năng lượng của chánh niệm, của từ bi. Đi đôi với sự cầu nguyện đó, còn phải có một sự tu tập của chính bản thân chúng ta, thì việc cầu nguyện mới hy vọng có kết quả như ý ta mong muốn. Ta không thể khoán trắng cho người ở ngoài ta, dù người là Bụt Thích Ca hay là Chúa Ki-tô.
Ba điều thông thường của cầu nguyên là sức khỏe, sự thành công, và sự hài hòa. Tuy vậy, đối với người xuất gia thì khác. Lời cầu nguyên đầu và quan trọng nhất của người xuất gia là vượt thoát sinh tử, là thực hiện cho được sự an lạc, hạnh phúc của pháp giới bản môn ngay trong thế giới tích môn.
Cầu nguyện là một đề tài rất lớn và rất hay. Chúng ta tạm chấm dứt những bài giảng về cầu nguyện bằng cách nhắc mọi người rằng thế giới đang đi vào một kỷ nguyên Y khoa mới, mà chúng ta có thể gọi là Y khoa Nhất tâm, trong đó Tâm Thức Cộng đồng đóng một vai trò chữa trị hay hoại diệt rất lớn.
Trong giai đoạn Y khoa này, việc chữa trị cho người bệnh tùy thuộc vào sự tu học, sự cầu nguyện, sự thương yêu, sự hành xử hàng ngày của mọi người, kể cả các vị bác sĩ. Bác sĩ phải biết rằng sức khỏe chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Tâm thức Cộng đồng và có liên hệ mật thiết tới sự giải phóng của tâm thức bệnh nhân. Vì vậy ngày nay bác sĩ phải học phương thức cầu nguyện cho bệnh nhân, và phải biết thiền tập trong hành nghề thì mới trở thành một bác sĩ giỏi trong giai đoạn mới này của Y khoa.