Được viết bởi nữ nhà văn tài hoa người Thụy Sỹ Johanna Spyri, tác giả của những cuốn sách như nhuộm sắc màu rạng rỡ và yên bình của vùng thôn quê núi non, cách xa chốn thành thị xô bồ ngột ngạt, “Heidi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất mọi thời đại, với lời văn miêu tả tinh tế cảnh vật núi non và niềm vui, xúc cảm của trẻ con miền núi ngây thơ chất phác. Và một điều ngạc nhiên là cuốn sách này dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thât về cô gái Heidi Schwaller sống gần vùng núi Alps vào thế kỷ 19. Tác giả Spyri đã gặp cô trong một chuyến đi từ Zurich đến Thụy Sỹ, hai người ngay lập tức gắn bó với nhau đến nỗi Spyri đã viết nên một cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời của cô bạn Heidi. Trải qua 140 năm, cuốn sách vẫn nhận được tình yêu mến của hàng vạn độc giả trên thế giới và được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Johanna Spyri mất năm 1901, qua đời một cách bình yên và chân dung bà được in trên tem và đồng xu tưởng niệm tại Thụy Sỹ.
Cuốn sách “Heidi” tuy được giới thiệu là một cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng lại mang màu sắc và ý nghĩa vô cùng thấm thía vè tình yêu thương và sự đồng cảm.. Nói về cô bé Heidi sống cùng người ông nội được gọi là Bác Alm trên dãy núi Alps. Người dì Dete ích kỷ đã gần như tống cô bé cho ông nội và người dân làng Dorfli vừa trách mắng Dete vừa ái ngại cho cô bé nhỏ phải sống với ông già cục cằn và cô độc đó. Nhưng đâu ai ngờ rằng cô bé Heidi chẳng những đã mềm hóa trái tim của người ông mà thậm chí còn mang lại bao sự đổi thay cho nơi cô sống và những người xung quanh cô. Heidi đích thực là một người con thật sự của vùng núi non bạt ngàn, cô yêu từng cây linh sam trước nhà, yêu vùng hoa ngào ngạt, những chú dê và các chuyến đi chăn dê cùng cậu bé Peter. Cô bé đã đem lại niềm vui, ánh sáng nơi tâm hồn và khát vọng sống cho người bà già yếu của Peter, cô bạn Klara và ông bác sỹ nhân hậu nơi Frankfurt bằng những bài thánh ca và những câu chuyện hết sức sinh động và thú vị mỗi ngày. Những ai đã từng ở bên Heidi đều chỉ muốn giữ cô bé bên mình mãi, nhưng chỉ khi trở về ngọn núi Alps, bé Heidi mới thật có thể hồn nhiên và sẵn lòng đem niềm vui đến cho mọi người.
Các nhân vật trong cuốn sách đều khiến cúng ta cảm động và đôi phần xót xa cho họ. Cô bé Klara tuy ốm yếu và được nhiều người phục dịch nhưng không hề kiêu căng và ích kỷ, cô bé chào đón Heidi với tất cả tình thương yêu trẻ thơ và cực kỳ can đảm khi để Heidi trở về mà không mè nheo quá mức. Klara bé nhỏ cuối cùng đã khỏi bệnh và tìm lại được niềm vui và khát vọng sống mãnh liệt ở vùng núi non, người bác sỹ cũng đã tìm lại được những kỷ niệm đã mất và tâm hồn trở nên được lấp đầy sau những tháng ngày cô độc bởi không khí trong lành của vùng núi và sự nhiệt tình của con người nơi đây. Herr Sesemann và Frau Sesemann như là hiện thân của lòng tốt trên cuộc đời, họ đều mang tấm lòng nhân hậu và thấu hiểu mọi người. Trong cuốn sách cũng sẽ làm bạn rung động và cười thầm với những tình tiết hài hước vô tình của bé Heidi và lòng nhân hậu của bé. Khi nhận được tiền của Herr Sesemann, cô bé không hề mảy may nghĩ đến cá nhân mà sẵn lòng dùng nó để mua bánh mì trắng cho bà. Trong cuốn sách cũng nói lên sự chữa lành diệu kỳ mà thiên nhiên trong lành có thể đem lại, diệu kỳ và nhanh chóng hơn bất kỳ thứ dầu gan cá Moruy nào khác. Mỗi nhân vật trong cuốn sách đều có tính cách riêng và đều có tấm lòng nhân hậu và đồng cảm, đều đi tìm niềm vui và khát vọng sống bị chôn vùi trong tim.