Giữa vòng vây núi

Giữa vòng vây núi

Giữa Lúc Tận Cùng Cô Đơn, Chú Chó Đã Chỉ Cho Tôi Những Điều Quý Giá!

Giữa Lúc Tận Cùng Cô Đơn, Chú Chó Đã Chỉ Cho Tôi Những Điều Quý Giá!

Giữa thuở chuyển mùa

14 Ngày
Availability: Còn trong kho
SKU
58792344
tiểu thuyết
thư viện khth
1.
Sau một chốc hửng nắng, trời lại mưa nhẹ hạt rồi nặng dần lên. Không thể đi tiếp, ông Huyên và hai người bạn của ông dừng chân, núp mưa dưới mái hiên một hiệu tân dược. Cả ba người đàn ông đều nghĩ là cuộc dạo phố Đà Lạt đã đến lúc phải ngừng. Họ bàn với nhau là nên gọi một chiếc taxi hay nên ghé vào quán cà phê gần nhất nào đó. Trong khi còn phân vân, ông Trường bước hẳn vào hiệu tân dược, hỏi mua loại thuốc ông thường dùng mỗi khi cái bụng làm ông khó chịu. Bất giác, ông Huyên nhìn vào, bắt gặp một người đàn bà còn khá đẹp với dáng người thon thả như một cô gái đang ngồi bên bàn nước nhỏ, cúi mặt đọc vào cuốn sổ lớn để mở, chốc chốc lại nhìn lên với đôi mắt tìm kiếm ở các ngăn tủ đựng thuốc. Sau quầy gỗ lắp kính, một người đàn bà khác, với chiếc áo trắng y tế, mặc bên trong áo ấm không cài nút, hình như đang chờ người đàn bà vừa đọc vừa tìm kia để lấy một loại thuốc nào đó xuống, đặt trên mặt quầy. Khi ông Trường bước vào, cuộc kiểm tra, có lẽ vậy, cũng ngừng lại.

Không hiểu vì sao ông Huyên không thể quay mắt sang chỗ khác. Ánh mắt ông như dán chặt vào gương mặt đàn bà vẫn còn nhan sắc kia. Hình như đó là một người đã từng quen biết với ông từ nhiều năm về trước. Và có lẽ vì ánh mắt đăm đắm của ông Huyên, linh tính khiến người đàn bà gấp nhanh cuốn sổ lại, nhìn thẳng vào ông. Bà không chỉ nhận ra dáng tuổi trạc trên năm mươi của ông Huyên, nên bà vụt đứng dậy, quên cả việc cần phải giữ gìn, ý tứ như vốn có.

- Ông… Thầy có phải là thầy Huyên không ạ? – Người đàn bà nói nhanh với vẻ vui mừng, khi bất giác đã bước vội ra chỗ ông Huyên và ông Nguyên Việt đang đứng -.

Ông Nguyên Việt, khoảng trên sáu mươi tuổi, mỉm cười, nụ cười pha lẫn nét tò mò và thú vị về cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Trong khi đó, ông Huyên biết mình đã không nhìn lầm.

- Đúng rồi, tôi là Huyên. Và tôi tin chắc… cô là Cúc Trắng, em gái của Hồng Vàng.

- Dạ, thầy vẫn chưa quên. - Bà Cúc Trắng nói, với nụ cười vỡ ra thành tiếng -. Em rất vui vì thầy chưa quên hai cái tên dân dã, mộc mạc đó.

Ông Trường đã bước ra sau khi mua xong mấy viên thuốc. Ông đứng sững.

2.
Ông Huyên và hai người bạn của ông đã sẵn sàng đến nơi bà Cúc Trắng đã mời hôm trước, sau cuộc điện thoại của bà Hồng Vàng nhắc lại lời mời. Họ đang ngồi quanh một chiếc bàn nước ở tiền sảnh khách sạn.

Ông Huyên hơi ngã đầu ra phía sau, đôi mắt nhìn lên một góc trần đúc. Thật ra ông không nhìn vào đâu cả. Ông Huyên đang nhớ về những năm tháng cũ, thuở ông còn là một giáo viên trẻ của một trường trung học phổ thông tại một huyện lị không xa Đà Lạt lắm. Ngày ấy, Huyên thường được Phòng Phổ thông thuộc Sở Giáo dục Lâm Đồng điều động lên Đà Lạt, mỗi đợt khoảng năm bảy ngày hay nửa tháng, và thường được sắp xếp chỗ ở tại Trường PTTH. Bùi Thị Xuân. Trong những dịp ấy, Huyên tình cờ quen biết hai chị em Hồng Vàng và Cúc Trắng, nữ sinh lớp mười hai và lớp mười. Nhưng chắc chắn trong họ sẽ không lưu lại những gì thường được gọi là kỉ niệm, nếu không có vài ngẫu nhiên khác.

Bây giờ, sau hơn hai mươi bảy năm, chính những hộp thuốc ở tiệm tân dược buổi chiều tránh mưa ấy đã khiến ông Huyên nhớ đến một kỉ niệm, và ông cảm thấy có chút gì đó gần như là cảm giác xấu hổ pha lẫn với buồn cười đang dấy lên nhè nhẹ trong lòng ông, khi ông đang ở trong những giây phút sắp gặp lại hai nữ sinh ngày ấy.

Ông Nguyên Việt và ông Trường có lẽ đều nghĩ bạn của họ – ông Huyên – đang chìm vào hồi ức thơ mộng hoặc cao quý về chính Huyên với hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng. Họ không thể đoán được tâm trạng của bạn.

Cắt ngang sự im lặng của các ý nghĩ ở ba người đàn ông, một người vận đồng phục của một hãng taxi từ ngoài tiền sảnh bước vào, khẽ chào, chìa ra một tấm danh thiếp:

- Bà Hồng Vàng ở địa chỉ này mời quý ông lên taxi, bà đã gọi sẵn, để đến nơi đó.

Ông Huyên cầm lấy tấm danh thiếp của bà Hồng Vàng, đọc lướt qua, và gật đầu. Ông mời hai người bạn cùng ra xe.

Qua vài quãng đường đồi dốc, hai bên là các biệt thự đầy hoa và các triền thông, chiếc taxi chạy vào cổng một tiệm cà phê thanh lịch, sang trọng, đỗ lại trên sân.

Khi ba người đàn ông bước ra khỏi xe, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng với hai nụ cười tươi tắn, rạng rỡ đã đứng ở chân bậc cấp của biệt thự cà phê để đón họ. Một tiếp viên đi nhanh đến người tài xế, chỉ một thoáng đứng lại cúi đầu chào khách, rồi bước tiếp. Không cần nhìn ngoái lại, họ biết tiếp viên ấy đang thanh toán tiền xe.

Sau những lời chào hỏi niềm nở khiến ông Huyên vừa cảm động, vừa vui mừng, quên bẵng cảm giác xấu hổ pha lẫn buồn cười dấy lên trong lòng ông hồi nãy, họ bước hẳn vào phòng khách gia đình ở phía sau.

Ông Huyên không ngờ hai nữ sinh gặp nhiều khó khăn về đời sống năm nào bây giờ lại giàu có, thành đạt đến thế. Ông bất giác mỉm cười với ý nghĩ của mình, quyết định cứ để mặc cho tình cờ đưa đẩy, xem thử ông sẽ còn trải qua những gì trong cuộc gặp gỡ này và trong hơn mười ngày ông cùng hai người bạn còn ở lại Đà Lạt. Cũng trong một thoáng, ông giật mình, tự hỏi, liệu sau cuộc gặp thứ hai với Cúc Trắng, chính là lần đầu gặp lại Hồng Vàng đang diễn ra, còn có cuộc gặp gỡ nào nữa không?


3.
Nhìn vào bức tranh được sao chép lại từ một kiệt tác hội hoạ nổi tiếng, thường thấy ở các quán cà phê – cái nhìn không chủ ý -, ông Huyên cảm thấy thật khó trả lời câu hỏi của bà Hồng Vàng. Đó là câu hỏi hơi lạnh của một người đàn bà ở tuổi bốn mươi lăm. Chỉ có thể hỏi như thế với âm sắc tỉnh táo như thế, khi một người nữ đã trải qua nhiều cảnh đời với nhiều cảm xúc, tâm trạng, đến độ đã đạt được một bề dày bản lĩnh! Tuy vậy, trầm ngâm khá lâu, ông thấy cần phải nói câu nào đó thay vì câu trả lời.

- Sau lần chúng ta gặp lại nhau ở biệt thự cà phê của em, tôi không hiểu tại sao tôi lại tự động mời riêng em đến quán cà phê nhỏ bé này.- Ông Huyên nói, cố gắng mỉm cười -. Tôi không còn trẻ nữa, em cũng không còn là cô sinh viên năm thứ hai. Và điều cay đắng nhất là tôi không thể ngờ em lại hỏi tôi một câu hỏi tàn nhẫn, lạnh lùng như em vừa hỏi.

Bà Hồng Vàng cúi mặt xuống bàn nước, ngón tay bà xoay xoay chiếc tách trên dĩa sứ một cách vô thức. Bà tự biết, chính bà đã tàn nhẫn, lạnh lùng quá đáng, khi bất giác bật ra câu hỏi “Thầy mời em đến cái quán ngày ấy chúng ta thường tới để làm gì?”. Ở ngần này tuổi, bà còn vụng về đến thế sao, khi muốn bày tỏ một thái độ nào đó để khỏi bị xem thường? Không, bà Hồng Vàng tự biết năng lực ứng xử không đến nỗi nào của bà. Có điều, trước người thầy giáo chỉ dạy bà vài buổi thời trung học và cũng là người bà đã chịu ơn vì mẹ của mình, người đang ngồi đối diện với bà trong lúc này đây, bà bỗng trở nên luống cuống, thô kệch trong lời nói. Bà không muốn đẩy xa hơn ý tưởng.

Một đàn chim sẻ sà xuống trên lối sỏi trắng trước hiên quán, lại vụt bay đến luống hoa gần đó. Bóng dáng đàn chim và tiếng reo lích rích vui tai của chúng khiến cả hai người có cảm giác được thoát khỏi không khí hơi nặng nề vừa thoáng bao phủ lấy họ.

- Em xin lỗi thầy… - Bà Hồng Vàng đỏ mặt, và bà tự ý thức về nhược điểm của mình, bà không thể che giấu nổi cảm xúc trước người đàn ông thường khiến bà xúc động trong những tháng ngày xưa cũ ấy, người mà bà đã gọi từ bao giờ bằng từ “thầy” đầy tôn kính theo phong tục -. Em không ngờ em đã buột miệng ra câu hỏi ấy. Chắc thầy đã biết, Đà Lạt chỉ là một thành phố nhỏ, một cái hắt hơi ở hồ Than Thở cũng có thể được nghe thấy tại thác Cam Ly. Dẫu sao, một người đàn bà đã có chồng con như em cũng phải giữ gìn, ý tứ.

Ông Huyên mở to đôi mắt, mỉm cười, cảm thấy niềm vui đang tràn ngập trong lòng mình, xua hết những ý nghĩ u ám vừa rồi. Ông quyết định sẽ không thú thật với bà Hồng Vàng điều ông dự định sẽ nói. Như thế là không "lương thiện" chăng? Dẫu sao ông cũng đã không "lương thiện" với hai chị em Hồng Vàng và Cúc Trắng, với cả bà mẹ của họ – ông mới được họ cho hay là chỉ mới mất cách đây vài năm. Đã không "lương thiện" với họ suốt hai mươi lăm năm nay, thì tiếp tục không "lương thiện" thêm một thời gian nữa, có sao đâu. Ông Huyên nghĩ vậy. Nhưng ý nghĩ ấy ngay lập tức bị xua tan trong lòng ông. Tâm trạng này khiến ông cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ.

Bà Hồng Vàng rút khăn tay từ túi xách, thấm vội hai giọt nước mắt đã trào ra nơi đôi khoé mắt của bà.

- Tôi không ngờ cuộc đời lại đưa đẩy, run rủi thế nào đó, để chúng ta lại có dịp gặp nhau.- Ông Huyên nói như để lấp đầy khoảng trống -. Tôi nghĩ mình đang là hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, và em chỉ mười tám, mười chín...

- Năm em hai mươi tuổi mới đáng nhớ…

Ông Huyên cúi đầu khi nghe bà Hồng Vàng nhắc.

- Đó là năm hai chị em em và má em đã được thầy giúp đỡ. Nhờ mấy hộp thuốc của thầy, má em khỏi bệnh bao tử hành hạ, và đã khỏi hẳn từ đó.

- Thuốc ấy lúc bấy giờ rất hiếm, nhưng thời này lại đầy rẫy ở các hiệu tân dược.- Ông Huyên chợt liên tưởng đến buổi chiều tránh mưa, tình cờ gặp lại Cúc Trắng -. Em biết không… - Ông Huyên không thể kìm lại được ý nghĩ thú nhận -.

Bà Hồng Vàng ngước mắt nhìn ông chờ đợi ông nói tiếp.

- Chỉ cách đây vài phút thôi, tôi quyết định sẽ để em và Cúc Trắng tiếp tục ảo tưởng về lòng tốt của tôi.- Ông Huyên đã lấy lại được vẽ trầm tĩnh -. Nhưng… tôi nghĩ cần nói thật với em và Cúc Trắng… Thật ra, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, chỉ có điều tôi đã thiếu thành thực, lại có ý thức tô vẽ cho bản thân tôi. Tôi nghĩ như thế là không “lương thiện”.

- Em không hiểu thầy muốn nói gì? Thầy làm ơn nói rõ hơn.

- Không có gì quan trọng đâu. Sự thật là thế này. Mấy hộp thuốc Maalox năm ấy, tôi có được, không phải do tôi bỏ tiền túi ra mua từ Sài Gòn lên đây đâu, mà do một học sinh trường tôi dạy đã gởi biếu. Cậu học sinh ấy vượt biên sang định cư ở Canada, gửi quà về giúp đỡ gia đình, nhân tiện gửi biếu thầy giáo là tôi một phần. Đó là mấy hộp Maalox ấy.

- Nếu quả thật là vậy, thì có gì khác đâu. Gia đình em vẫn chịu ơn thầy mà thôi.

Ông Huyên mỉm cười, cảm thấy nhẹ lòng.

- Tôi cảm thấy xấu hổ khi bịa ra là do chính tôi bỏ tiền ra mua. Thực ra tôi không tốn đồng nào cả… Tôi không muốn làm bài toán đố lớp hai ở đây.

- Chỉ vậy thôi sao, thầy? - Bà Hồng Vàng lại nén tiếng thở phào -.

- Chỉ vậy thôi. Nhưng tôi đã mắc một lỗi là tự tô vẽ thêm cho sự giúp đỡ của tôi, khi tôi nói tôi bỏ tiền túi ra để mua. Số tiền khá lớn…

Im lặng một lúc, bà Hồng Vàng không muốn xoáy sâu vào bản chất của việc cũ, bà nói tránh ra:

- Sao hồi đó có quá nhiều người đau bao tử đến thế hở thầy? Sau này, em được biết đó là căn bệnh có thể do căn nguyên tâm lí. Hồi ấy, bao nhiêu là lo âu, và lo sợ nữa…

- Đó là một trong những căn bệnh thời hậu chiến. Và ngẫm lại, không có thời nào kì cục như vào những năm ấy. Quà tặng nhau lại là thuốc tân dược quý hiếm hay vải vóc gì đó, chứ không phải là hoa hay những vật lưu niệm như sách, tượng… Thậm chí, người trong nước, quý nhau nhất là tặng vài lon gạo trắng.

- “Bánh mì và hoa hồng”! Thời ấy, ai cần chi hoa hồng! - Vô tình, bà Hồng Vàng nói -.

- Như vậy, tôi là một kẻ quyết tâm nhịn đói để chỉ yêu hoa hồng!



Cả hai người đều bật cười và đều cảm động. Họ không ngờ mạch chuyện lại dẫn dắt họ đến những câu nói ý vị đến thế.

- Nhưng thầy cũng đâu có yêu hoa hồng! Thầy lừa dối hoa hồng mà! -. Bà Hồng Vàng bỗng nói như buột miệng, và biết không thể không nói thêm, nhưng cảm thấy lúng túng, không thể nói thêm một lời nào -.

Ông Huyên nhìn quanh, thấy quán vắng khách, nên khá yên tâm, nhưng ông vẫn tiếp tục dùng ẩn dụ “bánh mì và hoa hồng”:

- Tôi yêu quý hoa hồng bằng tất cả tình yêu chân thành của tôi. Nhưng Hồng Vàng có hiểu giùm tôi không, tôi có lỗi là sau khi tôi ngỏ lời, Hồng Vàng gật đầu, tôi vẫn không dám xin cụm hoa hồng ấy về trồng. Bởi lẽ, tôi còn quá trẻ, đâu dám nghĩ đến chuyện nhà đất. Không có một tấc đất để cắm dùi, tôi biết rước hoa hồng về trồng ở đâu!

Bà Hồng Vàng im lặng. Bà vẫn không tin lời vừa nói của ông Huyên.

- Thầy không biết thầy đã gây tổn thương cho cụm hoa hồng ấy như thế nào đâu, khi thầy cố tình bặt tin. Em không thể tin trên đời này lại có một loại tình yêu thiếu sức mạnh của nghị lực vượt khó như thế. Thầy bảo là bấy giờ thầy chưa có một tấc đất nào, nhưng thực ra, hoa hồng ấy không cần nhà đất thật, nó chỉ cần một tình yêu có thật.

- Hoa hồng trừu tượng, siêu thực! “Bánh mì và hoa hồng”! Cơm gạo và tình yêu! Chúng ta cần cả hai.- Chìm vào suy tưởng, ông Huyên nói chậm rãi -. Vả lại, em biết không, ngày ấy, dẫu không rơi vào tình huống của Puskin, tôi vẫn rất yêu mến hai câu thơ được lẩy ra khỏi bài thơ chân thành nhất của nhà thơ đó, như hai câu độc lập. Chắc em còn nhớ hai câu thơ ấy. Không, chỉ cần một câu mà thôi: “Cầu cho em có được người tình như tôi đã yêu em”.

Bà Hồng Vàng nhăn mặt thật sự:

- Thầy vẫn còn giả dối với em sao? Nhưng dẫu sao cũng không thể cứu vãn được gì hết. Tất cả đã muộn. – Bà Hồng Vàng bật cười, đau đớn đến trào nước mắt -. Em sắp được lên chức bà ngoại rồi!

Chính câu nói cuối vừa thốt ra khiến bà sực tỉnh. Bà biết mình đã đến lúc phải ra về. Ngồi im lặng một lúc, sau khi chấm khăn tay vào hai khoé mắt, bà tỏ ý sẽ ra về để tránh sự đột ngột. Một phút sau, bà Hồng Vàng đứng dậy, từ giã ông Huyên. Ông Huyên đành ngậm ngùi gật đầu, đứng dậy tiễn bà. Không một lời hẹn sẽ gặp lại nào được thốt ra.

Trời Đà Lạt bất chợt nắng lên một cách quái ác, không sướt mướt chút nào.

Ông Huyên một mình lững thững trở vào quán cá phê cách đây hơn hai mươi lăm năm Huyên và Hồng Vàng thường ngồi, và họ mới cùng ngồi với nhau cách đây dăm bảy phút. Ông không ngờ cuộc đời lại có những tháng năm và giờ phút như thế.

4.
Mười lăm ngày đã trôi qua gần hết. Ngày bế mạc hội thảo về văn học chiến tranh và hậu chiến sắp đến. Cho dù đây là hội thảo có hạn định thời gian khá rộng rãi, không vội vã trong vài ngày như các hội thảo khác, nhưng vấn đề được nêu ra, bàn luận trầm tĩnh hay tranh luận sôi nổi, vẫn không tránh khỏi những bỏ ngỏ. Dẫu thế, đây cũng là cuộc hội thảo im lặng nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi người đều không hiểu nguyên nhân từ đâu.

Ông Huyên cũng chuẩn bị tham luận, cũng đăng đàn đọc tham luận và tham dự không sót buổi thảo luận nào, như những thành viên khác. Ngoài ra, ông lại có dịp để hồi tưởng lại chuyện cũ rất riêng tư giữa ông và bà Hồng Vàng ngày ấy, cách đây đã hai mươi lăm năm. Nhưng ngẫm nghĩ lại, ông tự bảo, liệu có chuyện riêng tư nào thoát khỏi âm hưởng và dấu vết của thời thế! Một cụm hoa hồng tươi tắn hay cằn cỗi, héo rũ cũng tuỳ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Một dấu hỏi tại sao được đưa ra cũng cần phải truy vấn đến bao nhiêu giai đoạn lịch sử trong và ngoài nước.

Ngồi trên ghế đá ở một vườn hoa, ông Huyên lặng lẽ nghĩ ngợi. Trong khi ấy, ông Nguyên Việt và ông Trường đang tha thẩn nhìn ngắm những bức tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được trưng bày quanh đó.

Quãng xế chiều Đà Lạt bao giờ cũng se lạnh, cái se lạnh của trời đất thật tuyệt vời nếu không có một giọt mưa nào, đường phố khô ráo trong nắng nhạt. Ông Huyên khẽ khép lại hai thân áo ấm trước ngực. Nghe tiếng chân bước trên lối sỏi rồi trên cỏ, ông quay đầu lại, bắt gặp nụ cười của ông Nguyên Việt:

- Tôi cảm thấy thú vị khi đọc tham luận của cậu về biểu tượng hai mặt trong văn chương nước ta thời chiến tranh và thời hậu chiến. Cảm giác thú vị ấy được nhân lên nhiều lần khi được nghe cậu kể lại câu chuyện giữa cậu và bà Hồng Vàng ở một quán cà phê thuở còn trẻ hai người thường ngồi để tâm tình.- Ông Nguyên Việt nói khi đã ngồi bên cạnh ông Huyên -.

Ông Huyên giật mình, quay phắt sang ông Nguyên Việt với ánh mắt thắc mắc:

- Giữa tham luận của tôi và chuyện thời trẻ của tôi với bà Hồng Vàng, có lẽ chỉ liên quan trực tiếp với nhau ở biểu tượng “bánh mì và hoa hồng”. Đó là một cặp ẩn dụ đã trở thành biểu tượng trong ngữ cảnh nhất định. Chỉ có thế thôi. Nếu mở rộng sự liên quan, thì tất thảy đều liên quan trong một bối cảnh lịch sử nhất định, chẳng cứ gì chuyện tôi với bà Hồng Vàng ngày ấy và cách đây mấy hôm.

Ông Nguyên Việt cười khoái trá, vỗ tay vào đùi ông Huyên:

- Tất nhiên cậu đã nghiên cứu kĩ về mặt lí luận cũng như trong văn chương hình tượng về ẩn dụ, kể cả trường dụ, nhất là “biểu tượng hai mặt”… Tuy vậy, tôi nghĩ, có lẽ sẽ có những kẻ diễn dịch, xuyên tạc chi tiết “mấy hộp thuốc Maalox”, nhất là mấy hộp tân dược ấy lại do một học sinh vượt biên gửi biếu.

Ông Huyên nhếch môi nhưng không cười, dù chỉ là cái cười mỉm:

- Nói thế thì không cùng! Trên đời, đáng sợ nhất là những người kém hiểu biết mà giỏi tung tin nhảm hoặc có quyền lực trong tay. Nhưng … anh nghĩ những kẻ đó sẽ diễn dịch như thế nào do kém hiểu biết về thủ pháp văn chương hay do ác ý?

- Tôi chỉ đùa, hù doạ cậu cho vui mà thôi. Nhưng biết đâu, có kẻ đã diễn dịch hay xuyên tạc chi tiết “Maalox do Việt kiều gởi tặng” là tài liệu phản động, gây rối nhiễu thông tin nào đó thì ai cấm được chúng!

Ông Huyên bật cười:

- Đến thế thì quả là mạt vận! Nhưng về nguyên tắc, bất kì một ẩn dụ nào, một biểu tượng nào cũng ở trong văn cảnh nhất định, nó phải có những chi tiết phụ để xác định ý nghĩa cho nó và tính chất của nó. Không phải chi tiết nào cũng là ẩn dụ hay biểu tượng. Ai cũng thấy là chi tiết “Maalox do Việt kiều gửi tặng” có những chi tiết khác quanh nó xác định cho nó, rằng, đó chỉ là một chi tiết tả thực, chứ không phải là ẩn dụ, biểu tượng gì cả… - Ông Huyên định giải thích thêm về biểu tượng sóng đôi “bánh mì - hoa hồng” để khẳng định đó là biểu tượng đúng nghĩa nhưng không phải là biểu tượng hai mặt, có điều ông thấy quá thừa, và ông bỏ dở câu nói -.

Một lần nữa, ông Nguyên Việt vỗ đùi bạn:

- Thế thì cậu nên yên tâm, vì cậu đã là một chuyên gia về lí thuyết đồng thời là một nhà văn có tay nghề điêu luyện trong thực hành văn chương.

Ông Huyên mặc dù được người bạn lớn hơn về tuổi đời, tuổi văn khen, nhưng cũng cảm thấy hơi tự ái về ngữ điệu hơi đùa cho nhẹ bớt trọng lượng. Tuy thế, ông cũng mỉm cười vui vẻ.

- Chắc cậu đã biết, - Ông Nguyên Việt nói tiếp -, có kẻ bảo rằng tai hoạ đời cậu là do những kẻ kém hiểu biết nhưng lại có quyền lực trong tay hoặc giỏi xúc xiểm. Đầu óc chúng quá nặng nề “chủ nghĩa lí lịch” lại kém kiến thức về thủ pháp văn chương, và khả năng cảm thụ văn chương thì méo mó, thô thiển. Chúng đặt một mũi tên giữa lí lịch của cậu với văn chương cậu viết. Cái mũi tên diễn dịch thô thiển, dốt nát hoặc xấu xa ấy đã bắn vào số phận của cậu. Và cậu đã chết ngắc ngoải hai mươi lăm năm nay.

- Nguyên nhân trực tiếp còn kinh khủng hơn nhiều! - Ông Huyên cười đau đớn -.

Ngoài đường, dưới ánh nắng chiều Đà Lạt như hừng đông của những phố phường, làng mạc miền xuôi, một chiếc xe Attila dừng lại. Bà Cúc Trắng, em gái của bà Hồng Vàng, ngồi trên xe cười thật tươi, đưa một tay lên vừa vẫy chào vừa báo hiệu bà đã đến như lời hẹn. Hai người đàn ông đang bàn chuyện và cả ông Trường đang ngắm tượng điêu khắc đằng kia đều đưa tay chào bà Cúc Trắng. Đứng dậy, ông Huyên vẫn nói tiếp ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu, như chưa dứt khỏi mạch chuyện:

- Dược sĩ Cúc Trắng này kiểm tra chủng loại và chất lượng thuốc ở hiệu thuốc tân dược mà bà ta cho thuê bằng, bà ta đứng tên chịu trách nhiệm, chẳng nhằm nhò gì nếu so với hải quan - các đội kiểm soát cửa khẩu. Họ xé từng thùng quà, giũ từng xấp vải, bóc từng hộp thuốc, thậm chí đập vỡ dăm bảy viên thuốc họ lấy ra từ vỉ khằng nhôm, rồi lấy mẩu đưa cho phòng phân chất. - Vừa bước ra lề đường, ông Huyên vừa nói -.

Bà Cúc Trắng thấy nét căng thẳng còn vương trên mặt hai người đàn ông khi họ chào hỏi bà, nhưng bà vẫn tươi cười, niềm nở với tất cả lòng mình.

Từ phía sau ông Trường cũng đang cười, bước tới với máy ảnh trên tay. Một tấm ảnh lưu niệm đã được ghi vào thẻ nhớ.

Ông Huyên chợt bâng khuâng, tự hỏi thầm, không biết vài ngày còn lại của đợt hội thảo trên đất Đà Lạt này sẽ còn những bất ngờ nào. Ông biết đôi mắt của ông là hai chiếc máy ảnh kì diệu, đang ghi lại hình ảnh lúc này của bà Cúc Trắng và đang sắp xếp vị trí bên cạnh hình ảnh bà Hồng Vàng mà ông đã thu nhận, trong kí ức vĩnh viễn không phai mờ của ông, trên những trang viết nào đó của ông, ông chủ quan tin là thuộc về vĩnh cửu.

Xế chiều Đà Lạt vẫn như thể là hừng đông.

Trần Xuân An
04:, 17.9 HB8
06: 35’, 18.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt
Giới thiệu sách
Review https://www.goodreads.com/book/show/58792344
Số trang 156
Rating 0.0
Tác giả Trần Xuân An