Tiểu thuyết có 15 chương, nhưng có thể nói chương nào cũng có tình tiết sống động, có sức đột phá tính cách nhân vật, tạo bước ngoặt cho tình huống truyện. Nhà văn lại viết với lối kể chuyện, theo cách những ông bà nông dân đi làm đồng nghỉ giải lao kể cho nhau nghe, nên rất đời thường và đậm chất hài. Dẫu sao vẫn có thể thấy bám sát chất liệu đời sống là bút pháp chủ đạo trong "Gió chuyển mùa", từ đó, dù triển khai tác phẩm theo hướng nào, nhà văn cũng không đi quá xa thực tế đời sống xã hội nông thôn những năm vừa qua. Cách viết này có thế mạnh là tác phẩm văn học gần với thực tế cuộc sống, mang hàm lượng thông tin và tính chân thực cao, trong chừng mực nào đó dễ tạo sự hòa đồng giữa người đọc và trang viết; nhưng cũng có hạn chế là trang viết ít sức lay động, bay bổng và gợi mở. Nhưng có lẽ trong bối cảnh thực tế như "Gió chuyển mùa" cũng khó chọn cách viết nào có sức kéo người đọc hơn là cách viết chân thực, với một lối kể chuyện có duyên, pha chút dí dỏm, hài hước như nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa đã thể hiện trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, mà theo chị thì đây là cuốn sách chị tâm đắc nhất