Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, các quan hệ dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình... giữa công dân, cơ quan, tổ chức của các nước ngày càng tăng nhanh về số lượng, phức tạp về tính chất và chiếm một vị trí quan trọng ừong việc điều chỉnh pháp luật. Tuy nhiên, việc điều chỉnh các quan hệ này là một vấn đề phức tạp. Vì đây là các quan hệ mang bản chất dân sự có yếu tố nước ngoài, do đó, các quan hệ này chịu sự điều chỉnh của các hệ thống pháp luật khác nhau và các vụ việc phát sinh từ các quan hệ này có thể thuộc thẩm quyền của tòa án các nước khác nhau. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cả dưới góc độ pháp luật quốc tế và góc độ pháp luật quốc gia. Giải quyết tốt các vấn đề này có ý nghĩa to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, nghiên cứu về Tư pháp quốc tế giữ vai trò quan trọng không chỉ trong chương trình đào tạo chuyên ngành luật học mà trong cả một số chuyên ngành khác như quan hệ quốc tế, Đông Nam Á học...
Nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học viên cũng như các đối tượng khác, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn và phát hành cuốn giáo trình Tư pháp quốc tế - Phần chung. Giáo trình được viết bởi các giảng viên đã có bề dày kinh nghiệm trong thực tiễn và trong công tác nghiên cứu, giảng dạy môn Tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực pháp lý phức tạp, có nhiều vấn đề tranh luận với các quan điểm khác nhau và còn mới với thực tiễn Việt Nam do đó đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc."