Quá trình hoàn tất vải là môn học quan trọng nằm trong khối kiến thức của chương trình đào tạo kỹ thuật và cử nhân ngành công nghệ may của trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, và đây cũng là những nội dung cần phải nắm vững của các kỹ sư trong ngành dệt. Môn học này cung cấp những nội dung cơ bản về quá trình xử lý vải sau khi dệt thành vải thành phẩm, có thể đem ra tiêu thụ trên thị trường. Các xử lý hoàn tất đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng của vải và các sản phẩm từ vải.
Thực tế, quá trình hoàn tất vải được chia thành nhiều giai đoạn và có công nghệ tiền xử lý, công nghệ nhuộm - in hoa, công nghệ hoàn tất hóa lý. Do vậy, để nắm vững nội dung môn học Quá trình hoàn tất vải, sinh viên cần được trang bị những kiến thức cơ bản về vật liệu dệt như nguồn gốc cấu tạo, tính chất hóa học, tính chất vật lý, phạm vi ứng dụng của xơ sợi dệt nói chung, đồng thời cũng cần phải trang bị trước cơ sở lý thuyết để tiếp cận môn học như kiến thức về hóa học hữu cơ, cơ học, quang học, nhiệt học và toán học ứng dụng.
Nhằm mục đích trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các quá trình hoàn tất của vải, giáo trình này được chia làm 06 chương gồm:
Chương 1: Giới thiệu tổng quan về công nghệ hoàn tất vải như một số khái niệm và thuật ngữ cơ bản, phân loại, phương pháp và thiết bị sử dụng trong công nghệ nhuộm-hoàn tất nói chung.
Chương 2: Giới thiệu về công nghệ tiền xử lý, vai trò, đặc điểm, cách thực hiện và biện pháp áp dụng các công đoạn tiền xử lý.
Chương 3: Giới thiệu về công nghiệp nhuộm - in hoa, nêu bản chất của thuốc nhuộm, phương pháp và cách tiến hành nhuộm, kiểm soát hiệu quả nhuộm trong công nghệ nhuộm và công nghệ in hoa.
Chương 4: Giới thiệu về công nghệ hoàn tất vải, bao gồm hai công đoạn xử lý cơ học và công đoạn xử lý hóa học. Chương này đưa ra những khái niệm, nguyên tắc xử lý và phạm vi ứng dụng của mỗi xử lý.
Chương 5: Trình bày một số ứng dụng cụ thể của công nghệ nhuộm và công nghệ hoàn tất trên từng loại vải thông thường.
Chương 6: Trình bày tình hình ô nhiễm của ngành dệt, cách kiểm soát và giải quyết ô nhiễm.