Lịch sử loài người cho thấy, tri thức về quyền con người có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển và tiến bộ của các xã hội cũng như là tiền đề cho sự phát triển đầy đủ về nhân cách và năng lực của mỗi cá nhân. Ở phạm vi rộng hơn, tri thức về quyền con người là tiền đề cho hòa bình và thịnh vượng của toàn nhân loại.
Tuy nhiên, có một thực trạng phổ biến đáng buồn đó là “có hàng triệu người sinh ra rồi chết đi mà không hề biết rằng họ là chủ nhân của các quyền con người…”. Thực trạng đó rõ ràng là chỉ có thể khắc phục được thông qua việc giáo dục để nâng cao nhận thức của mọi người về quyền con người. Cũng như bất kỳ dạng kiến thức nào khác của loài người, kiến thức về quyền con người chỉ có thể được phổ biến và được nhận thức thông qua giáo dục. Chính bởi tầm quan trọng của tri thức về quyền con người và vai trò của giáo dục trong việc phổ biến tri thức về quyền con người, trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, Liên hợp quốc đã khẳng định rằng, một trong các mục tiêu của giáo dục là phải nhằm: “…thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người” (Điều 26).