Hai mươi sáu thế kỷ trước đây, nghĩa là trước khi Đức Thế Tôn thành đạo, có phong trào tìm hiểu chân lý chung quanh con người và kiếp sống của con người. Các nhà hiền triết ra sức giải đáp những câu hỏi sau đây:
- Người từ đâu sanh đến?
- Tại sao lại chết?
- Chết rồi sanh đi đâu?
- Tại sao người giàu sang, nghèo hèn khác nhau?
- Làm sao tìm được hạnh phúc?
Do cách giải đáp những câu hỏi đó mà sanh ra nhiều Tôn giáo, tùy theo kiến thức và quan điểm của các vị giáo chủ dẫn giải hấp dẫn tín đồ.
Phong trào ấy phổ biến rất mau và rất sâu rộng tại Trung phần Ấn Độ. Người ta thường tụ tập dưới cội cây to nơi ngã ba đường, hay ngã tư đường, hay ở các cửa thành cùng các nhà công cộng dọc theo vệ đường, để bàn cãi và giảng giải những vấn đề kể trên.
Vấn đề quan trọng nhất trong thời kỳ ấy là con người muốn hạnh phúc. Câu thường hỏi nêu ra là: "Cái gì đem hạnh phúc đến cho nhân loại?"