Tự kỉ là một chứng bệnh đang khiến nhiều bậc phụ huynh Việt Nam lo lắng. Một phần bởi người ta nói rất nhiều về vấn đề này, phần khác vì người ta đưa ra chẩn đoán quá thường xuyên, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, theo những gì tôi đọc trong một số bài viết của các nhà tâm lí Việt N và theo kinh nghiệm của cá nhân tôi khi làm việc ở Hà Nội.
Tôi đã từng làm việc nhiều năm với các cháu mắc chứng bệnh ngày nay gọi là “tự kỉ”, nhưng ở thời điểm đó người ta gọi là “loạn thần”. Tôi đã có thời gian giảng bài về tự kỉ tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Vì vậy, tôi đã nhiều lần được đề nghị viết một cuốn sách nhằm giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ vấn đề này.
Tôi vừa hoàn thành một cuốn sách dành cho các nhà chuyên môn (Hiểu tự kỉ), trong đó có trích lại những bài viết dường như quá phức tạp đối với người không chuyên. Vì vậy, trong cuốn sách này (Giải thích chứng tự kỉ cho cha mẹ), tôi cố gắng rút ra một bản giản lược (nhưng không tầm thường hóa), dễ tiếp cận hơn đối với đông đảo bạn đọc.
Tôi là ai?
Tôi là một người Pháp, năm nay 65 tuổi, đã làm việc tại Việt Nam được 6 năm với vai trò Nhà tâm lí học/Nhà phân tâm học. Trước khi theo học Tâm lí học và lấy bằng DESS (Bằng Thạc sĩ thực hành) chuyên ngành Tâm lí học lâm sàng và Tâm bệnh học tại Đại học Paris VIII năm 2003, tôi đã có 30 năm làm việc với vai trò là nhà giáo dục đặc biệt, trong đó có 20 năm làm việc với trẻ tự kỉ (hoặc các trẻ có rối loạn phát triển nghiêm trọng).
Khi chấp nhận lời đề nghị viết một cuốn sách dành cho các nhà chuyên môn, sau rất nhiều do dự, dự định của tôi không phải là mang đến một viên đá mới cho tòa lâu đài kiến thức mà khiêm tốn hơn chỉ để đóng góp một chút kiến thức và kinh nghiệm của bản thân.
Tôi không phải là một trong những chuyên gia vĩ đại chuyên làm nghiên cứu và cố gắng phát hiện ra những điều bí ẩn còn bao phủ quanh chứng tự kỉ, tôi chỉ đơn giản là một nhà chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc đã “va chạm” nhiều với tự kỉ, từng đọc về chứng bệnh này, từng làm việc lâu năm với trẻ tự kỉ, và từng giảng bài về tự kỉ. Tuy vậy, kinh nghiệm của tôi có thể sẽ hữu ích cho phụ huynh trẻ tự kỉ, những người đang mất phương hướng trước tất cả những gì được viết ra hay được tuyên truyền xung quanh vấn đề này, những điều không phải lúc nào cũng chính xác.
Vì thế, tôi bắt đầu cuốn sách bằng câu hỏi sau đây: Liệu ta có thể tin tất cả những gì ta đọc không? Sau đó, tôi sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ băn khoăn:
- Ngày nay, chúng ta có biết tự kỉ là gì không?
- Ngày nay, chúng ta có biết đâu là nguyên nhân chính xác của tự kỉ không?
- Những nét đặc thù của tự kỉ là gì?
- Ngày nay, số lượng trẻ tự kỉ có tăng đột biến không? Chứng tự kỉ ngày nay có “bành trướng” ra không?
Tôi sẽ kết thúc cuốn sách bằng một suy ngẫm liên quan đến các phương pháp chăm chữa khác nhau cho trẻ tự kỉ.
Trong phần Phụ lục, tôi sẽ trình bày với bạn đọc một số ví dụ lâm sàng liên quan đến những vấn đề được nêu ra.
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ không tìm thấy CHÂN LÍ về tự kỉ bởi chính tôi cũng không biết đến chân lí đó, và cũng không có tham vọng biết nó. Đã có quá nhiều chuyên gia cho phép mình công bố cái chân lí ấy. Vấn đề là: họ không đưa ra được một chân lí chung! Ngược lại, tất cả những gì tôi viết ở đây không những xuất phát từ kinh nghiệm chuyên môn của mình, từ những gì tôi đã đọc mà còn là những điều đã được các nhà chuyên môn nổi tiếng và có tài năng khẳng định.