Trước một đề tài rộng lớn, phong phú và hứa hẹn nhiều điều lý thú như đề tài gia đình cũng như văn hóa gia đình ở Việt Nam thì cuốn sách “Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam” của PGS.TS. Lê Ngọc Văn do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 2012 thực sự là một công trình có tính “bứt phá” so với những nghiên cứu đơn lẻ đã thành công trước đó nhằm hệ thống hóa những nội dung quan trọng về gia đình và biến đổi gia đình được cập nhật trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi hiện nay.
Đi từ những vấn đề cơ bản trong lý luận về gia đình, những khái niệm then chốt như gia đình, cấu trúc gia đình, chức năng gia đình, văn hóa gia đình, gia đình truyền thống, gia đình hiện đại… những trang đầu của cuốn sách đã cho ta thấy bề dày lý luận được xây dựng khá vững chắc và chặt chẽ tạo nền móng để người đọc có thể đi sâu tìm hiểu “biến đổi gia đình ở Việt Nam” như thế nào.
Bằng phương pháp luận “động” và gợi mở, công trình nghiên cứu của PGS.TS Lê Ngọc Văn đã tập trung làm rõ những vấn đề về gia đình Việt Nam trong một thế giới đầy biến động và một xã hội Việt Nam đang biến đổi, hội nhập. Đó có thể là những dấu hiệu dễ nhận thấy như quy mô, cấu trúc, mức sống hay nề nếp sinh hoạt gia đình, nhưng cũng có những yếu tố rất tinh tế như văn hoá ứng xử mà không phải ai cũng thấy. Dựa trên các kết quả nghiên cứu thực tiễn phong phú, từng lớp lý luận được bóc tách như mở ra cánh cửa giúp người đọc có thể khai thác và suy ngẫm những nội dung sát thực nhất mang đậm chất gia đình Việt Nam.
Nếu như hai phần đầu của cuốn sách giúp bạn đọc tiếp cận những nội dung mang tính chất nghiên cứu như: Những khái niệm then chốt nghiên cứu gia đình; những nhân tố ảnh hưởng đến biến đổi gia đình, sự biến đổi chức năng gia đình và sự biến đổi cấu trúc gia đình…thì phần thứ ba Quan điểm và giải pháp chính sách về những vấn đề đặt ra từ sự biến đổi của gia đình Việt Nam được xây dựng từ chất liệu của một nghiên cứu ứng dụng, triển khai với các đề xuất, kiến nghị mang tính hệ thống phần nhiều hướng tới những nhà hoạch định chính sách và tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động thực tiễn…
Trong bối cảnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho sự phát triển của gia đình, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đồng thời cũng đặt gia đình trước nhiều khó khăn thách thức của cơ chế thị trường, suy giảm chức năng gia đình, suy giảm đạo đức… cuốn sách “Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam” - kết tinh của một quá trình lao động khoa học lâu dài, thể hiện niềm say mê nghiên cứu của tác giả như một lời ngỏ cho những nhà hoạch định chính sách, là tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề của gia đình Việt Nam đương đại.