Ngày nay Trung Quốc có khoảng 130 triệu lao động di trú. Trong các nhà máy, nhà hàng, công trường xây dựng, thang máy, dịch vụ chuyển phát, dọn dẹp nhà cửa, chăm trẻ, nhặt rác, tiệm cắt tóc, và cả nhà thổ nữa, hầu hết mọi lao động đều là dân nông thôn gốc. Ở tại thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, người di trú chiếm khoảng một phần tư dân số, ở các thành phố công nghiệp miền Nam Trung Quốc, họ vận hành các dây chuyền lắp ráp của nền kinh tế xuất khẩu. Tổng cộng lại, họ tạo nên dòng người di cư lớn nhất trong lịch sử, gấp ba lần số người đã di cư từ châu Âu sang Mỹ trong suốt một thế kỷ."
Leslie T.Chang, cựu phóng viên Wall Street Journal, viết những dòng trên vào tháng Ba năm 2006, khởi đầu cho cuốn sách về những lao động nữ người Trung Quốc ở miền Nam nước này. Các cô gái rời quê nhà, hòa mình vào thế giới công xưởng khắc nghiệt, nơi bạn thậm chí sẽ mất bạn trai chỉ vì đánh mất cái điện thoại, hoặc một chút kỹ năng sử dụng máy tính đủ đưa bạn lên một tầng lớp mới trong xã hội. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, họ đã nếm trải đủ mọi thành công cũng như thất bại cay đắng. Và vượt lên trên hầu hết các cuốn sách thời thượng khác về Trung Quốc, Gái công xưởng còn là bức tranh đầy thương cảm thiết tha, lưu lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên về một lớp người đang tạo ra hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng cho cả thế giới. Ấn tượng đó đồng thời mang lại một cái nhìn hai chiều về nước Trung Quốc hiện nay: Sự thịnh vượng kinh tế cùng những cái giá phải trả.